Cơ hội hàng Việt vào các hệ thống phân phối lớn toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tháng 9 tới đây, Việt Nam sẽ là địa điểm tập kết của hàng chục nhà phân phối lớn trên thế giới trong sự kiện lần đầu tiên diễn ra - Viet Nam International Sourcing (chuỗi sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế). Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), đơn vị chủ trì sự kiện này.
Nhiều mặt hàng Việt được giới thiệu tại Tuần hàng Việt Nam ở Thái Lan.
Nhiều mặt hàng Việt được giới thiệu tại Tuần hàng Việt Nam ở Thái Lan.

Việc đưa hàng Việt trực tiếp vào các hệ thống phân phối lớn trên thế giới đã được thực hiện từ nhiều năm nay và đã có những thành công nhất định. Vậy theo ông, doanh nghiệp (DN) Việt đã thay đổi ra sao khi tham gia phân phối trực tiếp vào hệ thống này?

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương).

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương).

- Trước hết, phải khẳng định, DN Việt rất tích cực tham gia kênh xuất khẩu (XK) trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài, coi đó như là hướng đi để thúc đẩy phát triển XK bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao. Đáng mừng hơn, DN Việt Nam đã từng bước ý thức được tính hiệu quả của việc đưa hàng vào các hệ thống phân phối hiện đại.

Tôi cho rằng, những DN Việt Nam trực tiếp tham gia mạng phân phối nước ngoài đã có khả năng nắm bắt tốt hơn nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, học được cách quản lý chất lượng tiên tiến trong chuỗi cung ứng, kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cần bảo đảm truy xuất nguồn gốc, thông qua đó bảo đảm tiêu chuẩn XK cho các hãng hàng đầu thế giới.

Đáng chú ý, không phải DN nào tham gia XK cũng là DN lớn nhưng các DN này bước ra thị trường thế giới với một tư duy toàn cầu và hành động quyết đoán, đồng thời có điều kiện để phát triển thương hiệu riêng của mình.

Đặc biệt, các DN tham gia XK trực tiếp đã thay đổi được quan điểm sản xuất từ việc sản xuất đại trà, không chú trọng vào hình ảnh và chất lượng sản phẩm, thiếu sự đầu tư đồng bộ đến việc hình thành quan điểm sản xuất khoa học và hiệu quả hơn. DN đã nhận thấy để thâm nhập được vào hệ thống và làm ăn lâu dài với các kênh phân phối hiện đại của nước ngoài thì phải thay đổi và đầu tư những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, tập trung nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm với chất lượng và mẫu mã phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường và đặc biệt phải phát triển từ nguồn hàng, nguồn nguyên liệu để có thể cung cấp lâu dài và bền vững cho các nhà phân phối.

Đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã đặt ra mục tiêu đưa 10.000 sản phẩm XK trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài. Theo ông, đâu là cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu này?

- Cơ hội đến từ bối cảnh mới của thị trường thế giới. Sau dịch COVID-19 và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn phân phối bán lẻ đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững, có sức chống chịu. Và họ và đã lựa chọn Việt Nam là một địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cơ hội cũng đến từ những nỗ lực của cộng đồng DN cả nước khi đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Ngoài ra, cần phải nhắc đến việc tham gia tích cực vào quá trình hỗ trợ DN mở rộng chuỗi cung ứng bền vững từ các ngân hàng. Các ngân hàng đã chủ động thiết kế các gói dịch vụ và sản phẩm tài chính linh hoạt để hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. Ví dụ như cho các DN tham gia chuỗi cung ứng được vay vốn thương mại để hỗ trợ việc mua nguyên vật liệu, nâng cấp máy móc thiết bị sản xuất, thanh toán cho nhà cung cấp hay hỗ trợ về tài chính để nhà cung cấp có đủ nguồn lực duy trì hoạt động sản xuất và cung cấp hàng hóa với quy mô lớn cho DN chủ chuỗi...

Ông kỳ vọng ra sao về kết quả Đề án trong thời gian tới, nhất là khi Bộ Công Thương đang chuẩn bị cho sự kiện kết nối Viet Nam International Sourcing rất lớn sẽ diễn ra trong tháng 9 này?

- Trong bối cảnh xung đột thương mại và biến động địa chính trị diễn ra phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, tác động tiêu cực tới XK của Việt Nam, việc kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế ngay tại thị trường Việt Nam là hoạt động hết sức quan trọng và càng có ý nghĩa hơn trong việc khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế.

Tiếp sau các Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản (tháng 6/2023), Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan (tháng 8/2023), Chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing sẽ là sự kiện quan trọng để chúng ta có thể xâu chuỗi, kết nối các nhà sản xuất kinh doanh trong nước với nhà nhập khẩu, kênh phân phối, các hiệp hội DN nước ngoài. Từ đó, tạo ra sự dịch chuyển, tạo chuỗi sản xuất tiêu thụ một cách tốt nhất và có thể mở rộng hoạt động tiêu thụ hàng hóa cho các DN sản xuất, XK Việt Nam.

Đây cũng là cơ hội cho các DN Việt Nam, bao gồm cả các DN nhỏ và vừa có thể tiếp xúc theo quy mô lớn với hàng trăm kênh phân phối và nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới để tìm cơ hội hợp tác với các nhà bán lẻ nước ngoài cũng như được trao đổi, phổ biến thông tin và học hỏi kinh nghiệm của họ để làm sao hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận các kênh phân phối quốc tế một cách tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm