Cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam

Sau khi nhà chức trách phát hiện hàm lượng cao đột biến hóa chất độc hại cadmi trong các mẫu gạo ở địa phương, người tiêu dùng tại Trung Quốc đang chuyển sang mua gạo của các thương hiệu nổi tiếng ở các tỉnh phía Bắc và gạo nhập khẩu, bất chấp việc giá gạo nhập nhiều khi đắt gấp 9 lần giá gạo tại địa phương. Điều này tạo cơ hội lớn cho các nước, trong đó có Việt Nam, tăng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Sau khi nhà chức trách phát hiện hàm lượng cao đột biến hóa chất độc hại cadmi trong các mẫu gạo ở địa phương, người tiêu dùng tại Trung Quốc đang chuyển sang mua gạo của các thương hiệu nổi tiếng ở các tỉnh phía Bắc và gạo nhập khẩu, bất chấp việc giá gạo nhập nhiều khi đắt gấp 9 lần giá gạo tại địa phương. Điều này tạo cơ hội lớn cho các nước, trong đó có Việt Nam, tăng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Người Trung Quốc đang quay lưng với lúa gạo sản xuất trong nước. Ảnh: Internet
Người Trung Quốc đang quay lưng với lúa gạo sản xuất trong nước. Ảnh: Internet

Người Trung Quốc chạy trốn gạo bẩn

Hồi tuần trước, giới chức thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông công bố kết quả an toàn thực phẩm cho hay, có đến gần một nửa các mẫu gạo đang được bày bán tại thành phố này có chứa hàm lượng nguyên tố hóa học cadmi vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Hãng thông tấn China News Service ngày 21/5 dẫn các báo cáo từ chính quyền thành phố Phật Sơn đưa tin, các mẫu gạo chứa hàm lượng cadmi cao hơn giới hạn của chính phủ cũng đã được phát hiện tại các tỉnh Giang Tây và Quảng Đông.

Theo một khảo sát do Đại học nông nghiệp Nam Kinh công bố hồi năm 2011, có khoảng 10% gạo đang được bán tại Trung Quốc bị nhiễm kim loại độc hại cadmi. Kim loại nặng là phế phẩm của chất thải công nghiệp và phân bón còn sót lại trong đất này có thể phá hủy thận, làm suy yếu hệ xương khớp và gây ung thư cùng nhiều vấn đề về sức khỏe khác nếu ăn phải với hàm lượng lớn.

“Vụ việc này cho thấy mức độ ô nhiễm đất và nước khủng khiếp tại Trung Quốc. Phản ứng ngay lập tức của người tiêu dùng là mua gạo từ các nơi ít bị ô nhiễm hơn ở phía Bắc Trung Quốc và chuyển sang các sản phẩm gạo nhập khẩu” – ông Wang Shutong, một nhà phân tích tại Công ty thông tin Sublime Trung Quốc, chuyên cung cấp thông tin về các loại hàng hóa trên thị trường cho biết.

Ngay sau khi những thông tin nói trên được công bố, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp lúa gạo tại tỉnh Hồ Nam – nơi đầu tiên phát hiện gạo nhiễm cadmi – đã chững lại, kéo theo việc 70% các nhà máy chế biến gạo tại tỉnh này đã phải dừng hoạt động vì không bán được hàng.

Cơ hội cho các vựa gạo Châu Á

Các đại lý bán buôn gạo tại Trung Quốc cũng đã ngừng bán gạo từ tỉnh Hồ Nam mà chuyển sang mua gạo từ các địa phương khác trong nước hay Pakistan và Việt Nam để bán.

Ông Wang dẫn các thống kê mà công ty ông thu thập được cho biết, giá gạo từ tỉnh phía Đông Bắc Hắc Long Giang đã tăng lên 2,6% ngay trong tháng 5 này. Cùng với đó, nhu cầu đối với các sản phẩm gạo Thái Lan, nhiều khi có giá cao gấp 9 lần gạo do địa phương cung cấp – đang gia tăng mạnh.

Các chuyên gia và các thương nhân cho hay, nếu các loại lúa gạo thu hoạch vào vụ mùa tháng 10 tới tại địa phương tiếp tục bị nhiễm độc cadmi,  Trung Quốc sẽ buộc phải nhập khẩu nhiều lúa gạo hơn nữa từ các nước láng giềng. “Không giống như các sản phẩm thịt, vốn thường kéo lượng tiêu thụ giảm xuống khi phát hiện việc nhiễm độc và bệnh tật, các loại lương thực như lúa gạo lại thường dẫn đến việc gia tăng nhập khẩu khi gặp phải các vấn đề tương tự” – ông Concepcion Calpe – một chuyên gia kinh tế cấp cao của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc nhận định.

Nói một cách khác, vấn đề gạo nhiễm cadmi sẽ là cơ hội để các nước xuất khẩu gạo tại châu Á tăng cường kinh doanh tại Trung Quốc. Trong số các nước được dự đoán sẽ có cơ hội từ bê bối gạo nhiễm độc của Trung Quốc có Việt Nam – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới.

Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế hồi tháng 4 vừa qua dự báo sản lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2013 sẽ tăng thêm khoảng 16%, lên mức 2,2 triệu tấn do giá gạo rẻ từ các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam và Pakistan. Hiện nay, giá gạo tại Trung Quốc vẫn cao hơn giá gạo cùng loại của Việt Nam. Cụ thể, gạo hạt dài của Trung Quốc có giá trên 600 USD một tấn trong khi giá gạo cùng loại của Việt Nam chỉ có giá khoảng 500 USD một tấn.

Nhu cầu gạo tăng cao của Trung Quốc ít nhất sẽ tăng mức giá sàn lúa gạo toàn cầu lên, hiện vốn đang ở mức thấp do nguồn cung dồi dào. Thái Lan – nước hiện đang đối mặt với lượng gạo tồn kho cao kỷ lục – đang đệ trình Chính phủ bán gạo cho Trung Quốc với mức giá được trợ giá để tăng sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, ngoại trừ một phần nhỏ gạo phẩm cấp cao với giá cao để đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu, cái mà đa phần người dân quốc gia hơn 1 người này cần là những khối lượng gạo lớn với chất lượng gạo thấp hơn, nhưng giá phải rẻ - trong khi gạo Thái Lan thì lại không hề rẻ.

“Gạo Thái Lan không thể cạnh tranh được với gạo Việt Nam”, chuyên gia Nguyễn Đình Bích nhận định. Theo ông,  “nhận diện đối thủ xuất khẩu gạo của Việt Nam, chỉ nên nhìn nhận Ấn Độ và Pakistan, một phần nào đó là Myanmar (trong tương lai). Việc đưa Thái Lan vào danh sách đối thủ cạnh tranh hoặc là thiếu hiểu biết hoặc là cố tình biến họ với vị thế quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới thành “ông kẹ” để dọa nông dân”.

Chính sách trợ giá lúa gạo của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2011 đã đẩy giá lúa thu mua của Thái Lan tăng gần gấp đôi so với trước đó, lên 750 – hơn 800 USD/tấn, bỏ xa giá gạo của Đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, có thể nói “cánh cửa” đang mở rộng đối với gạo Việt Nam và người trồng lúa trong nước đừng vội tin các luận điệu cho rằng “thị trường gạo xuất khẩu đang bế tắc”.

Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)

Đọc thêm