Nổi tiếng, được hâm mộ chỉ vì giống Hàn?
SM, một trong ba công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc, đơn vị tạo nên tên tuổi các thần tượng âm nhạc châu Á như SNSD, EXO đã công bố chiêu sinh tại Việt Nam vào tháng 7/2018. Theo SM, đây là một trong những nỗ lực của họ nhằm tìm kiếm nhân tài ở nhiều quốc gia và phát triển thị trường của mình ra khắp châu Á. Thoạt nhìn, có vẻ như đây là một cơ hội cho các bạn trẻ Việt khi được tiếp cận với một môi trường âm nhạc hàng đầu của châu Á. Đây cũng là cơ hội “đổi đời” cho người trẻ có tài nếu may mắn lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng. Lúc này, tên tuổi của họ sẽ không còn nằm ở tầm Việt Nam nữa mà mở sang thị phần Hàn Quốc, thậm chí cả châu Á.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, cơ hội này mang theo cả những mối lo ngại về một sự “xâm thực” trong văn hoá. Hiện tượng cuồng sao Hàn tại Việt Nam đã tồn tại nhiều năm. Cùng với đó, rất nhiều sao Việt “sao chép” phong cách Hàn Quốc từ âm nhạc đến gu ăn mặc, phong cách hành xử… Nói đâu xa, Sơn Tùng M-TP, một “thần tượng nhạc Việt” nhưng không biết bao lần dính nghi án đạo nhái nhạc của Hàn Quốc.
Ngược lại, nhiều người cho rằng, chính sự ảnh hưởng (hoặc sao chép) nhạc Hàn, cũng với rập khuôn ăn mặc, phong thái, thậm chí cả cách làm MV đã khiến Sơn Tùng “thoả mãn” phần đông khán giả Việt mê văn hoá Hàn Quốc, khiến Sơn Tùng có một lượng fan hâm mộ khổng lồ. Chi Pu, nữ ca sĩ bị “ném đá” vì hát quá dở gần đây cũng mời nhà sản xuất của T-ARA về để làm các sản phẩm âm nhạc của cô, nhằm phù hợp với thị hiếu khán giả Việt. Âm nhạc Hàn Quốc ảnh hưởng mạnh tới gu âm nhạc Việt Nam đến mức, nhiều bài hát nhạc trẻ hiện nay, chỉ có phần lời là nhạc Việt, còn lại phần nhạc, hoà âm phối khí, cả cách thể hiện của ca sĩ trên sân khấu chẳng khác gì nhạc Hàn.
Với sức ảnh hưởng mạnh nhiều năm nay của nhạc Hàn với thị trường âm nhạc Việt, sẽ ra sao nếu thời gian tới, một thế hệ “thần tượng âm nhạc” mới xuất hiện, được một nhà sản xuất Hàn Quốc đào tạo theo phong cách đặc sệt Hàn Quốc? Sẽ ra sao nếu chuẩn mực của âm nhạc Việt Nam thời gian tới sẽ dần dà bị “đồng hoá” với gu âm nhạc của Hàn Quốc, và người trẻ đánh mất thẩm mỹ âm nhạc của riêng mình? Chúng ta không thiếu nhạc sĩ, nghệ sĩ có tài, nhưng sợ rằng trước cơn sốt xâm thực của âm nhạc Hàn, để chiều chuộng thị hiếu, không ít người tài sẽ “bẻ cong” cá tính âm nhạc thực sự của mình, tìm kiếm danh vọng từ số đông.
Nguy cơ biến thành một “bản sao”
Câu chuyện sức ảnh hưởng của văn hoá Hàn Quốc cũng không chỉ giới hạn ở lĩnh vực âm nhạc. Điện ảnh Việt hiện nay đang bị sự ảnh hưởng mạnh mẽ của điện ảnh Hàn Quốc, đó là điều không thể phủ nhận. Hàng loạt bộ phim mua kịch bản từ ra rạp, có thể kể đến “Em là bà nội của anh”, “Yêu đi, đừng sợ”, “Cô hầu gái”, “Sắc đẹp ngàn cân”… Ngoài ra, còn một loạt dự án phim Việt remake từ phim Hàn đang chờ bấm máy hoặc vừa bấm máy, như “Cô nàng ngổ ngáo”, “Ngựa hoang” (bản gốc phim hài Sunny), “Ông ngoại tuổi băm”… Trong lĩnh vực truyền hình, cũng hàng loạt dự án phim sitcom từ sitcom đình đám Hàn đã được lên sóng truyền hình, mà mới đây nhất phải kể đến “Gia đình là số 1”.
Điều đáng nói, các bộ phim được lựa chọn remake đều là những phim từng nổi tiếng của Hàn Quốc, nhưng đã từ rất nhiều năm trước, thậm chí cả thập kỉ trước. Nhiều người cho rằng có rất nhiều kịch bản thuần Việt hay, có sức hút (đơn cử trường hợp “Em chưa 18”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”…). Thế nhưng, việc các nhà sản xuất liên tục tìm kiến kịch bản đã cũ của Hàn Quốc để làm lại chính là thể hiện sự “lười” tìm tòi và thể nghiệm, chọn một giải pháp an toàn và phù hợp với thị hiếu “sính Hàn” của đông đảo khán giả trẻ. Phải chăng, chúng ta đang khá thiếu “lòng tự hào nghệ thuật” đủ để nỗ lực tìm kiếm những chất liệu thuần Việt đưa lên sóng điện ảnh, truyền hình?
“Cơn bão văn hoá Hàn” đã đổ bộ vào Việt Nam vài năm nay, và mặc dù nhiều nước châu Á khác đã bắt đầu có dấu hiệu “hạ nhiệt” với giải trí Hàn Quốc, nhưng giới trẻ Việt thì vẫn chưa. Hoặc nếu có, nó cũng sẽ bị thổi bùng lên bởi các đạo diễn Việt đeo đuổi doanh thu, bằng các cuộc đầu quân của nhà sản xuất Hàn Quốc.
Nếu không định hình bản sắc, xây dựng cho mình cá tính nghệ thuật và những bước đi riêng, tiếp nhận nền giải trí ngoại lai một cách hào hứng và thiếu tỉnh táo thì ba năm, năm năm, mười năm nữa, liệu thị trường giải trí Việt liệu có nguy cơ biến thành một “bản sao” của giải trí Hàn Quốc?.