Du khách nghe điệu ca cổ
Ngày 4/4/2018, Sở VHTTDL Phú Thọ đã phối hợp với UBND TP Việt Trì tổ chức Lễ công bố sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” và tour du lịch hàng ngày Hà Nội-Phú Thọ. Theo đó tour du lịch sẽ xuất phát từ Hà Nội vào buổi sáng sau đó di chuyển đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Bảo tàng Hùng Vương, làng cổ Hùng Lô, miếu Lãi Lèn và chiều sẽ quay trở lại Hà Nội.
Tham gia tour du khách còn được tìm hiểu về Hát Xoan Phú Thọ- di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại. Du khách sẽ được thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nghi lễ thờ cúng tổ tiên- truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt.
Du khách cũng được tham quan Bảo tàng Hùng Vương để tìm hiểu không gian trưng bày về thiên nhiên, con người, lịch sử, văn hoá tỉnh Phú Thọ qua các thời kỳ từ tiền sơ sử đến hiện đại. Tour xem hát Xoan làng cổ gồm ba chặng hát: hát thờ, hát quả cách và hát hội để du khách hiểu được nét văn hóa có nguồn gốc từ thời đại Hùng Vương.
Không chỉ có tỉnh Phú Thọ, một số tỉnh thành khác đã “biến” di sản văn hóa phi vật thể thành sản phẩm du lịch. Bắt đầu tháng 8/2017, vào tối thứ 7 hàng tuần, tại 2 hồ nước trước trụ sở Tỉnh ủy và trụ sở HĐND- UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hát quan họ trên thuyền.
Chương trình hát quan họ trên thuyền vào tối thứ bảy hàng tuần nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sâu rộng về những giá trị đặc sắc và độc đáo của Di sản văn hóa quan họ, tiếp tục thực hiện cam kết với UNESCO trong việc bảo vệ dân ca quan họ Bắc Ninh, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Qua đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương, nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Đây cũng là hoạt động tạo ra một sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Bắc Ninh.
Chương trình bao gồm các tiết mục dân ca quan họ (lời cổ) do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát dân ca quan họ thực hiện, thời lượng khoảng 60 phút gồm các tiết mục đơn ca, song ca, tốp ca...
Về hình thức, sẽ có hai thuyền rồng di chuyển trên mặt hồ theo phương thức sử dụng mái chèo hoặc sào đẩy, không sử dụng thuyền gắn động cơ. Mỗi thuyền rồng được thiết kế, trang trí bảo đảm tính mỹ thuật, phù hợp với hình thức biểu diễn, gọn nhẹ, an toàn, dễ điều khiển và vận chuyển, có sức chứa khoảng 11 người, trong đó có 10 diễn viên và 1 chèo thuyền. Sau 8 tháng hoạt động, chương trình “Hát quan họ trên thuyền” thu hút hàng rất nhiều du khách tới thưởng thức.
“Ca Huế về đêm” từ lâu đã là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng và là điểm dừng chân không thể thiếu của du khách khi đặt chân đến Cố đô Huế. Du khách đến Huế, ngoài nhu cầu thăm thú, thưởng ngoạn những đền đài, lăng tẩm Huế, ai cũng mong được một lần tựa mạn thuyền rồng để nghe những làn điệu ca Huế ngọt ngào, sâu thẳm cất lên trên bồng bềnh sông nước Hương Giang. Đặc biệt là những người yêu Huế, muốn thẩm thấu trọn vẹn cái hồn, cái tình của Huế ẩn sâu trong thú chơi nghệ thuật tinh tế, đặc sắc này.
Mỗi năm, tỉnh Thừa Thiên-Huế có hơn 10.000 suất diễn ca Huế, phục vụ cho hơn 250.000 lượt khách đi nghe ca Huế trên sông Hương hoặc tại các cơ sở dịch vụ du lịch và một số địa điểm khác trên địa bàn tỉnh, tạo thành nét đẹp văn hóa hấp dẫn khách du lịch.
Tạo sản phẩm đặc sắc
Đưa di sản văn hóa phi vật thể thành sản phẩm du lịch là việc làm cần thiết để bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại như hiện tượng ngả nón xin tiền hay biểu diễn chụp giật là điều cơ quan địa phương quan tâm. Để khắc phục, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chấn chỉnh các hoạt động ca Huế trên sông Hương và đường thủy nội địa, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch tham quan các tour du lịch trên sông, biển. Đối với việc nâng cao chất lượng ca Huế trên sông Hương, tỉnh quy định mỗi chương trình ca Huế theo quy định phải dài ít nhất 60 phút trở lên; phải có tối thiểu 3 nhạc cụ trong các loại thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu, sáo.
Còn Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết với trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng cùng với các doanh nghiệp để thúc đẩy sản phẩm du lịch này. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ tạo điều kiện về môi trường, không gian văn hóa, các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, quản lý sản phẩm, dịch vụ. Đối với các nghệ nhân các phường Xoan gốc thì sẽ bố trí chương trình để thực hiện các lịch trình tham quan của các hãng lữ hành, đáp ứng nhu cầu của du khách. Đối với doanh nghiệp thì nắm bắt được giá trị của di sản, đồng thời kết nối thông tin để gắn kết với các nghệ nhân để thực hiện các tour một cách hữu hiệu”.