Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Anh

(PLVN) - Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh: "Ngoài lợi ích từ việc miễn giảm thuế theo Hiệp định thương mại tự do UKVFTA, nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh ngày càng chú trọng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Xu hướng này sẽ mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu họ có thể đáp ứng những tiêu chí này.".
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau khi Vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu, thì từ ngày 1/1/2021 hai bên bắt đầu triển khai các cam kết của mình trong khuôn khổ Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Như vậy, từ thời điểm đó đến bây giờ chúng ta đã trải qua 4 năm triển khai những cam kết của hai bên trong khuôn khổ các hiệp định thương mại song phương.

Trước bối cảnh hiện nay Anh đưa ra các chính sách thương mại xanh thì các doanh nghiệp Việt Nam có những cơ hội mới, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, cơ hội để phát triển các sản phẩm xanh sang thị trường Anh nằm trong nhận thức của doanh nghiệp Anh và nó nằm trong nhận thức của người tiêu dùng Anh.

Ngoài những lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do UKVFTA như miễn giảm thuế, doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận thị trường Anh, nơi người tiêu dùng và các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Xu hướng này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các tiêu chí bền vững, phù hợp với nhu cầu của thị trường Anh, đồng thời hưởng ứng triết lý phát triển và tiêu dùng bền vững tại đây.

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, việc chuyển đổi mô hình sản xuất và phát triển sẽ làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gây thêm áp lực. Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp khó khăn trong cạnh tranh ở một số thị trường khác, chủ yếu là do chi phí tăng cao, nhưng tại thị trường Anh, có một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập cao sẵn sàng trả thêm tiền cho những sản phẩm xanh, sạch và bền vững.

Do đó, mặc dù giá bán sản phẩm có thể cao hơn so với trước, nhưng nếu sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng ở phân khúc cao, vẫn có thể được đón nhận và chấp nhận tại thị trường Anh. Đây là một cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đáp ứng yêu cầu chất lượng cao, mặc dù chi phí sản xuất cao hơn.

Tại buổi tọa đàm "Cơ hội phát triển sản phẩm thương mại xanh sang thị trường Anh", bà Nguyễn Thị Huyền - CEO của Công ty cổ phần Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) chia sẻ: "Khi chúng tôi quyết định hướng đến thị trường Châu Âu vào năm 2013, chúng tôi bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị, hợp tác với khoảng 1.000 hộ nông dân tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Lạng Sơn. Chúng tôi cũng bắt đầu xin các chứng nhận quốc tế, và từ đó, thương hiệu của chúng tôi đã được nâng cao, giống như một tấm giấy thông hành giúp chúng tôi tiếp cận thị trường Châu Âu.

Sau đó, mở rộng ra thị trường Anh, nơi có yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và đối tác ở đây rất mong muốn hợp tác với các nhà cung cấp chú trọng đến tác động xã hội. Rất may, chúng tôi đã tham gia một số dự án của các tổ chức phi Chính phủ như Oxfam và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), qua đó, chúng tôi được hỗ trợ đào tạo để phát triển mô hình kinh doanh bền vững và đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính như Châu Âu".

Bà Huyền cũng nhấn mạnh: "Khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp đã hưởng lợi rất lớn. Sản phẩm của chúng tôi thuộc ngành nông sản, trước đây, khi khách hàng nhập khẩu, họ phải trả khoảng 5-10% thuế, nhưng nay với Hiệp định, khách hàng được miễn thuế. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng giúp sản phẩm nông sản Việt Nam, đặc biệt là quế hồi, dễ dàng thâm nhập vào thị trường Anh.".

Theo bà Huyền, với mô hình hợp tác chuỗi giá trị và kiểm soát chất lượng từ vùng nguyên liệu, Vinasamex đã có các chứng nhận quốc tế như hữu cơ, Fairtrade, Fair for Life, và Rainforest Life, giúp đáp ứng các yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường và xã hội. Dù sản lượng xuất khẩu vào Anh không quá lớn, Vinasamex đã trở thành nhà cung cấp cho nhiều thương hiệu nổi tiếng, như rượu Bombay Sapphire tại các sân bay và quán bar trên toàn thế giới.

Bà Huyền cũng lưu ý rằng xu hướng tiêu dùng bền vững ngày càng trở thành một yêu cầu quan trọng ở Anh, không chỉ đối với Chính phủ, doanh nghiệp, mà còn đối với người tiêu dùng và cộng đồng. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường này.

Ông Nguyễn Cảnh Cường - nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, cũng cho rằng thị trường Anh có những tiêu chuẩn rất cao về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, đồng thời là quốc gia tiên phong trong chống biến đổi khí hậu. Các quy định về bảo vệ môi trường đã được tích hợp vào chính sách thương mại của Anh, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thâm nhập của các sản phẩm nước ngoài vào thị trường này.

Đọc thêm