Đông Anh không phải quê tôi, nhưng Đông Anh để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm sâu sắc của thời tuổi trẻ, những năm tháng chàng thanh niên tôi mới thuở ngoài đôi mươi.
Vùng đất đã từng... xa lắm
Cho đến những năm giữa thập niên 80, Đông Anh vẫn là nơi heo hút so với 4 huyện cũ của Hà Nội (Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh). Ai từ nội thành phải sang làm việc ở Đông Anh thì vẫn ví mình đi làm ở khu “kinh tế mới” giống như đi Lâm Hà là một huyện ở Lâm Đồng do dân Hà Nội di vào vùng kinh tế mới.
Đông Anh nếu tính theo đường chim bay thì cũng chẳng xa nội thành lắm nhưng nó cách trở bởi sông Hồng và sông Đuống. Đặc biệt là sông Hồng. Muốn sang Đông Anh ngày đó chỉ có mỗi cách là qua cầu Long Biên, vượt Cầu Chui, qua sông Đuống hay lên phà Chèm. Cảnh hàng đoàn cả xe ô tô và xe đạp (thời ấy xe máy vô cùng hiếm, phương tiện cá nhân tuyệt đại đa số là xe đạp) rồng rắn từ cầu Chui nhích từng bước để lên cầu Long Biên ngày nào cũng diễn ra.
Rất nhiều người hàng ngày đi làm bên Đông Anh bằng xe buýt, buổi chiều khi về đến cầu Chui bị tắc, họ xuống xe để cuốc bộ 7 - 8 cây số vào nội thành, có khi về đến nhà rồi nhưng xe buýt chở họ vẫn còn… bên kia cầu.
Cầu Long Biên cho đến giữa thập niên 80 của thế kỷ XX vẫn được mệnh danh là cây cầu “dài nhất thế giới”! Dù từ đầu này sang đầu kia chỉ có một cây số rưỡi nhưng tắc suốt ngày. Nhiều người bay máy bay từ thành phố Hồ Chí Minh, hay thậm chí từ Băng - Cốc (Thái Lan) đến Hà Nội, về ngay sân bay Gia Lâm (trước khi có sân bay Nội Bài) còn mất ít thời gian hơn là đi từ sân bay qua cầu Long Biên để vào nội thành.
Ai sang Đông Anh mà không qua cầu Long Biên thì phải qua phà Chèm. Từ nội thành lên Chèm hơn 10 cây số. Phà Chèm thì chỉ hoạt động ban ngày, tối 6 giờ phà đã nghỉ. Mùa nước phà còn có thể đi thẳng từ bến Chèm (Từ Liêm) sang bến Đại Độ (Đông Anh), mùa nước cạn, bãi bồi nổi cao giữa lòng sông, phà phải đi vòng vèo tránh bãi, sang được sông có khi mất gần cả tiếng đồng hồ.
Có những lần phà mắc cạn chưa sang được, một nhóm mấy cô giáo từ nội thành sang dạy học bên Đông Anh, đã gần đến giờ lên lớp mà vẫn không có phà, muộn giờ lên lớp, nhìn thật ái ngại. Có lần tôi có việc ở gần đấy thấy cảnh ấy, lại phải “trổ tài ngoại giao” với mấy anh công nhân chạy ca-nô của công trường cầu Thăng Long để cho mấy cô đi nhờ. Và thật vui sau thời gian ngắn chỉ mấy tháng được chứng kiến trong số các cô giáo đi nhờ ca-nô ngày ấy có cô đã nên vợ, nên chồng với anh cán bộ của công trường…
Thời ấy ở khu vực Chèm có công trường xây dựng cầu Thăng Long, cán bộ công nhân của công trình đã có câu cửa miệng: “Làm lính bờ nam (bờ Từ Liêm) còn hơn làm quan bờ bắc (bờ Đông Anh)”. Điều ấy nói lên cảnh vất vả, gian truân khi phải làm việc bên Đông Anh là như thế nào…
Đông Anh ngày ấy được ví như “Xiberi” của Hà Nội. Những làng, xã bám theo trục đường Cầu Đuống - thị trấn Đông Anh - Phủ Lỗ còn đỡ, nhiều làng, xã cách xa trục đường này như Vân Nội, Đại Mạch, Thụy Lâm… đúng là như ốc đảo! Đặc biệt là các làng xã nằm ven sông Hồng thì lại càng hẻo lánh hơn.
Tôi có anh bạn học thời phổ thông, chàng trai phố Quán Thánh, suốt thập niên 70 và đến giữa thập niên 80 làm giáo viên cấp II ở xã Đại Mạch, nơi hẻo lánh bậc nhất, “địa đầu” của Đông Anh, giáp ranh Mê Linh, Vĩnh Phúc. Năm 1980 khi về làm ở công trình cầu Thăng Long tôi có lần đến chơi với anh bạn đó. Cả trường chỉ duy nhất bạn là giáo viên nội thành sang dạy ở đây. Đường sá cách trở không đi về hàng ngày được, phải ở lại. Một mình với gian phòng tuềnh toàng trong dãy nhà sau mấy lớp học không cánh cửa, mùa đông suốt đêm ngày “làm bạn” với gió bấc thổi ù tai … Nghe bạn than thở nếu cứ nằm mãi ở đây thì biết bao giờ lấy được vợ. Nghe bạn nói, nhìn mắt bạn ươn ướt với giọng buồn buồn, kèm tiếng thở dài mà sao ái ngại, bùi ngùi…
Những người đi làm hàng ngày phải đạp xe từ nội thành sang Đông Anh (trong đó có bà xã nhà tôi là cô giáo dạy học bên đó) hay "nhại" lại câu của chiến sỹ đồn biên phòng Tây Trang miền núi Lai Châu: "ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang" trong sách văn lớp 6. Bởi khi đó các làng bên Đông Anh sao lắm ruồi thế! Còn đạp xe trên đường từ dốc cầu Đuống lên Tó qua Mai Lâm, Cổ Loa gió to thổi bạt người đạp xe xuống ruộng, xuống ao ven đường (nhất là các cô giáo nội thành yếu đuối, mảnh mai).
Đông Anh ngày ấy hẻo lánh và buồn như thế…
Niềm vui lớn dần
Đông Anh, bờ bắc cầu Thăng Long đầu năm 1985 vẫn toàn đồng không mông quạnh. (Trong ảnh là tác giả cùng lãnh đạo đoàn chuyên gia Liên Xô xây dựng cầu Thăng Long). |
Ngày đó khu vực phía bắc công trình cầu Thăng Long như các làng xã Hải Bối, Cổ Điển, Võng La, Bắc Hồng… còn nghèo lắm, hầu như chưa có nhà bê tông mái bằng. Nhờ có việc xây dựng cầu Thăng Long kéo dài cả hơn chục năm (1974 - 1985) mà dân mấy xã xung quanh mới nhiều nhà có sân láng bê tông. Bê tông từ nguồn không “chính tắc” nhưng cũng không ai chính thức ngăn chặn. Đó là bê tông còn dính vào các thùng xe ZIL, xe “bò MAZ” tự đổ. Mà lượng “dính” trên thùng xe không ít. Ngay các chuyên gia Liên Xô nhiều khi thấy việc này nhưng cũng bỏ qua và có lúc còn nói đùa “thôi để ủng hộ” bà con xóm làng.
Xe trút bê tông ở công trường xong còn “dính” bê tông đó lượn qua rìa làng đã có người trực sẵn leo lên hót sạch. Lái xe không mất công dọn vệ sinh xe, bà con qua ít ngày là có sân láng bê tông, lợi cả đôi đường. Có gì “đằng sau” đó không thì tôi không biết. Chắc ít nhất thì cũng phải có bữa “đánh chén thịt cầy”. Vì thế, nhiều hôm thấy xe còn dính đầy bê tông, mấy ông “Tây” bập bẹ nói tiếng Việt, chỉ tay và hỏi lái xe: “Bê toong thít chó há?” hay “Bê toong gâu gâu ha?”, nghe cười vỡ bụng.
Gần giữa năm 1985, sắp sửa khánh thành cầu, Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long thuê một chuyến trực thăng để quay phim, chụp ảnh cầu Thăng Long từ trên cao vì ngày đó chưa có flycam. Cầu Thăng Long nhìn từ trên cao hướng từ phía Từ Liêm sang Đông Anh thì mới thấy quang cảnh Đông Anh khi đó còn “đồng không mông quạnh” như thế nào.
Sau khi dầm thép cầu Thăng Long nối liền đôi bờ sông Hồng, thì Đông Anh đã hoàn toàn thay đổi. Cùng với cầu Thăng Long và trục đường nối bắc Thăng Long tới sân bay Nội Bài hoàn thành đã “lột xác” cho Đông Anh từ đầu thập niên 90. Rồi Khu công nghiệp Bắc Thăng Long ra đời, trở thành một trong những khu công nghiệp lớn nhất của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc…
Đến năm 2015 khi cầu Nhật Tân đưa vào hoạt động thì những làng xã như Tầm Xá, Vĩnh Ngọc… vô cùng hẻo lánh thuở nào nay “bừng tỉnh”. Bám theo đại lộ Võ Nguyên Giáp từ đầu cầu Nhật Tân ra sân bay Nội Bài, các làng xóm heo hút cách đây chẳng bao năm, thì nay là các khu phố mới, với những dãy nhà kiểu cách thời thượng cùng các căn biệt thự kiến trúc tân kỳ, mà người nào xa đây ít năm, nay quay lại chắc khó nhận ra….
Nghe tin Đông Anh sắp lên quận, trong mừng vui cũng thoát chút ngậm ngùi bởi gần 40 năm đã trôi qua, một hành trình quá nửa đời người...