Có một Hồ Tây như thế...

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Tây Hồ chân cá thị Tây Thi” (Hồ Tây đích thị nàng Tây Thi, một người đẹp nức tiếng muôn đời của Trung Hoa và Á Đông) mà nhà thơ Cao Bá Quát đã ví von. Rồi đây, sẽ có thêm những biểu tượng mới về một vùng văn hóa, du lịch và một Hà Nội đáng sống xen lẫn giữa cổ xưa và hiện đại…
Hoàng hôn hồ Tây được báo chí nước ngoài bình chọn là một trong những hoàng hôn đẹp nhất ở Việt Nam. (Ảnh: T.A)
Hoàng hôn hồ Tây được báo chí nước ngoài bình chọn là một trong những hoàng hôn đẹp nhất ở Việt Nam. (Ảnh: T.A)

Dòng chảy nguồn cội hôm qua, hôm nay

Nằm ở phía Bắc, Hồ Tây là hồ lớn nhất ở Hà Nội. Nơi đây đã chứng kiến và lưu giữ những huyền tích, chứng tích về sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trong suốt hơn 1.000 năm. Không những thế, với thế đất “long phượng trình tường, phượng hoàng ẩm thủy”, Hồ Tây trên thuận canh tác, dưới tiện giao thông, chài lưới, dòng nước quanh năm xanh mát, không khí trong lành. Từ hơn 1.000 năm qua, kể cả trước khi vua Lý Công Uẩn dời đô về thành Đại La, địa điểm phía nam hồ đã được chọn để xây dựng Hoàng thành Thăng Long với mong muốn “ tính kế muôn đời cho con cháu”.

Trải qua những biến thiên của lịch sử, vùng đất ven Hồ Tây được xem là cái nôi của những làng nghề vang danh khắp kinh thành. Từ gấm vóc, lụa là Nghi Tàm, Trích Sài... tới đúc đồng Ngũ Xã, cùng những làng lúa, làng hoa nổi tiếng. Tất cả hun đúc nên những nét văn hóa đặc trưng, tinh tế và thanh lịch của Thăng Long - Hà Nội. Ngày nay, các ngôi làng đã lên phường, cơ sở hạ tầng được đầu tư hiện đại và đồng bộ. Những con đường thơ mộng được xây dựng ôm trọn ven hồ, những tuyến phố rộng lớn kết nối vùng hồ với khu vực đô thị trung tâm lõi của thành phố.

Có một Hà Nội đáng sống với hơn 500ha mặt nước tự nhiên cùng hàng chục héc-ta cây xanh cung cấp môi trường sống trong lành cho cư dân. Chưa kể, mật độ dân số thấp so với các quận nội thành (khoảng 6.800 người/km2), cơ sở hạ tầng ở Tây Hồ không phải chịu áp lực bởi không xô bồ, chật chội như các vùng đô thị khác. Trong khi đó, các giá trị cảnh quan - sinh thái và văn hóa - lịch sử cùng hệ thống các lễ hội gắn liền với các làng nghề được gìn giữ, bảo tồn. Điều này tạo nên một không gian mang đậm dấu ấn di sản giữa Hồ Tây.

Khu vực Hồ Tây còn hưởng lợi từ mạng lưới giao thông được quy hoạch bài bản, giúp cư dân dễ dàng kết nối với các trung tâm đầu não, trung tâm hành chính mới… của thành phố một cách dễ dàng, thuận tiện. Nhiều tổ chức quốc tế, 13 đại sứ quán cùng nhiều khách sạn 5 sao, tòa nhà văn phòng lớn đã chọn nơi đây để đặt trụ sở, tạo nên một sức sống mới cho khu vực phồn thịnh này. Những ngôi biệt thự, những tòa chung cư mọc lên xen kẽ hài hòa với phần còn lại của những ngôi làng cổ đã trở thành không gian sống lý tưởng của cư dân hiện đại. Nơi đây được những cư dân của Việt Nam và quốc tế lựa chọn làm nơi an cư lạc nghiệp. Hồ Tây vì thế mà trở thành trung tâm giao lưu quốc tế của Thủ đô, nơi kết nối những giá trị văn hóa, mở rộng quan hệ hợp tác, mở ra một dòng chảy mới từ cội nguồn vùng đất Hồ Tây.

Trước đây, GS Trần Quốc Vượng đã từng nhìn nhận: “Tây Hồ: mặt gương của Hà Nội, lá phổi của Long Thành. Tấm gương lớn trên dưới 500ha ấy, với bề dày bốn nghìn năm lịch sử, đã lắng hồn non sông Hà Nội, đọng lại và xếp lớp biết bao huyền thoại, thơ ca…”. Còn nhớ, trong thiên bút ký nổi tiếng về Hồ Tây, nhà văn Tô Hoài láy đi láy lại nhiều lần với câu thơ cổ nổi tiếng của Chương lĩnh hầu Nguyễn Huy Lượng thời Tây Sơn: Lạ cảnh thay Tây Hồ! Lạ cảnh thay Tây Hồ! Rồi ông suy ngẫm: “Không bao giờ, biết ai mà có thể nói hết được về cái đẹp Hồ Tây - tôi ngỡ thế. Từ ngàn xưa tới nay. Lại nữa, hôm nay trong xây dựng Hà Nội đương đẩy nhanh thời gian chỉ lọt vòng một tháng đã bao nhiêu cái mới chồng chất, bề bộn. Những việc, những công trình chưa khi nào có, cứ ngày ngày hiện ra quanh vùng nước mênh mang, mà sóng nổi, sương mù dịu dàng mùa thu bao phủ. Ai tha thiết với Hà Nội mà không bồi hồi, mỗi lần đến với hồ lại thấy mình như có lỗi với chính mình. Những điều đã trông thấy mà nghĩ lại thật cũng chưa thấm vào đâu… Lạ thay cảnh Tây Hồ…”.

Còn nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã dành biết bao thời gian suy ngẫm để rồi cho ra đời cuốn sách nổi tiếng “Mặt gương Tây Hồ”, và được GS Hà Văn Tấn đánh giá: “Mặt gương Tây Hồ” đã cho ta biết về không gian văn hóa qua thời gian văn hóa ở một thắng cảnh của Thăng Long”. Ở lời nói đầu của cuốn sách này, tác giả đã bồi hồi: “Du lịch quanh Hồ Tây không chỉ để biết không gian văn hóa mà còn được mở rộng cả thời gian văn hóa. Làm một vòng quanh hồ, không chỉ ngắm cảnh hồ đẹp, mây trời đẹp, đình chùa đẹp mà còn là dịp trở về cội nguồn với Lạc Long Quân khi ông diệt hồ tinh, với ông trạng Lê Văn Thịnh và nghi án hóa hổ, với Vũ Như Tô xây Cửu trùng đài, với Nam Đồng thư xã, một nhà sách tiến bộ vào năm 1926-1927, với bến đò Phú Xá, dải đất đầu tiên của Hà Nội được đón Bác Hồ”…

Và còn hơn thế…

Phối cảnh nhà hát. (Ảnh: UBND quận Tây Hồ)

Phối cảnh nhà hát. (Ảnh: UBND quận Tây Hồ)

Quận Tây Hồ đặt mục tiêu xây dựng quận trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa lớn. Đặc biệt, công trình nhà hát là điểm nhấn kiến trúc của đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An. Nhà hát có diện tích khoảng 13.000m2 do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Ý Renzo nổi Piano thiết kế, nổi trên mặt hồ Đầm Trị, sẽ là không gian trình diễn nghệ thuật, địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa lớn, đang được UBND quận Tây Hồ lấy ý kiến cộng đồng dân cư.

Theo thiết kế, Nhà hát được xây dựng ở khu vực hồ Đầm Trị nhưng không ảnh hưởng nhiều đến mặt nước, cũng không nằm trong diện tích mặt nước Hồ Tây. Đồ án cũng đưa ra mục tiêu tổ chức không gian kiến trúc tại khu vực nhằm thiết lập trục không gian kết nối trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây - Hồ Tây - bán đảo Hồ Tây - Sông Hồng - thành Cổ Loa, góp phần bảo tồn, tôn tạo và khai thác các giá trị đặc trưng về văn hóa, cảnh quan, mặt nước Hồ Tây, hồ Đầm Trị...

Quy hoạch cũng sẽ kết nối không gian ngầm đô thị, bãi đỗ xe ngầm với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của thành phố; cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bổ sung bãi đỗ xe, bảo vệ môi trường sinh thái mặt nước Hồ Tây và môi trường khu vực.

KTS và nhà quy hoạch, TS. Hoàng Hữu Phê chia sẻ, việc xây dựng Hồ Tây thành trung tâm văn hóa mới của Hà Nội là một quyết định đúng đắn. Các hạng mục công trình như trục cảnh quan đi bộ, quảng trường, bảo tàng nghệ thuật, triển lãm, nhà hát nổi trên Đầm Trị là các thành tố vật thể cần thiết cho trung tâm văn hóa mới. Tuy nhiên, yếu tố quyết định cho thành công của trung tâm văn hóa này lại chính là các yếu tố phi vật thể, hay là phần hồn của nó.

Theo đó, một nền công nghiệp văn hóa muốn hoạt động và phát triển đến đỉnh cao cần phải tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật cho cả 7 ngành nghệ thuật truyền thống, bao gồm Kiến trúc, Điêu khắc, Hội họa, Văn học, Âm nhạc, Biểu diễn và Điện ảnh. Đặc biệt đối với 3 ngành cuối: Âm nhạc, Biểu diễn và Điện ảnh, các không gian chuyên dụng chất lượng cao là yêu cầu tối thượng…

Bày tỏ về việc Hà Nội mong muốn xây dựng một nhà hát tầm cỡ trong khu vực và kỳ vọng đây sẽ là một biểu tượng văn hóa không chỉ của Thủ đô mà của cả nước, TS Hoàng Hữu Phê cho rằng, một nhà hát tầm cỡ khu vực chắc chắn là ưu tiên hàng đầu cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao quốc tế Hồ Tây, nếu muốn đẩy nhanh quá trình hội nhập và đưa Việt Nam vào tâm điểm của khu vực Đông Nam Á trên lĩnh vực văn hóa.

Đồng thời, nghiên cứu đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm mới như khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô; phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao.

Du khách đến từ Nhật Bản đặc biệt thích thú với những bông hoa sen ở Đầm Trị, Quảng An, Tây Hồ. (Ảnh: UBND quận Tây Hồ)

Du khách đến từ Nhật Bản đặc biệt thích thú với những bông hoa sen ở Đầm Trị, Quảng An, Tây Hồ. (Ảnh: UBND quận Tây Hồ)

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh, kế thừa mục tiêu quy hoạch, phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, tầm nhìn 2045 trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, quận Tây Hồ đặt mục tiêu xây dựng quận trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô; phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, gắn với bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ bà Trần Thị Thu Hường chia sẻ: Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh của mình, Quận ủy Tây Hồ đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 09-NQ/TU bằng việc ban hành Nghị quyết số 10-NQ/QU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, quan điểm xuyên suốt của quận là phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Hà Nội.

Và như thế, trong tương lai không xa, hồ Tây sẽ có thêm những biểu tượng mới, giao thoa giữa “ nơi lắng hồn núi sông ngàn năm” - một vùng văn hóa du lịch cổ xưa và hiện đại. Cùng như, mong rằng “ mặt gương Tây Hồ” đẹp tựa gương mặt nàng Tây Thi sẽ sớm được vinh danh là di sản thiên nhiên quốc gia và thế giới…