Có một thứ du lịch Việt đang thiếu

(PLO) -Tại buổi Tọa đàm trực tuyến  xây dựng sản phẩm du lịch từ mô hình văn hóa truyền thống do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia văn hóa, DN lữ hành, DN kinh doanh du lịch đều lên tiếng cho rằng sự cần thiết của việc phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống bởi hiện nay hoạt động du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch có hơi hướng chạy theo lợi nhuận thuần túy, ít hàm chứa giá trị văn hóa, lịch sử.
Nhã nhạc- Di sản văn hoá phi vật thể
Nhã nhạc- Di sản văn hoá phi vật thể

Du lịch cần cộng hưởng với di sản văn hóa

         Bàn về thực trạng việc bảo tồn văn hóa truyền thống, việc cần thiết phải xây dựng sản phẩm văn hóa qua mô hình du lịch và giải pháp thực hiện, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Giá trị văn hóa truyền thống đi theo giá trị lịch sử và biểu hiện trên cả nội dung vật thể và phi vật thể. Hiện chúng ta đã có nhiều văn bản quan trọng như Luật về Di sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch… gợi mở việc quản lý phát triển loại hình này. Chúng ta phải tự hào với các sản phẩm truyền thống và đánh giá cao các mô hình làng văn hóa để tạo nên các sản phẩm phong phú. 

Ông Nguyễn Phúc Lưu- Phó Giám đốc Văn phòng Trung tâm UNESCO cho biết thêm: Tính đến thời điểm hiện tại, di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO công nhận 6 di sản văn hóa vật thể và 9 di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay cũng có hàng ngàn di sản văn hóa cấp quốc gia, cấp thành phố được công nhận. Ông Nguyễn Phúc Lưu cũng cho rằng, hiện nay, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang thiếu các khu giới thiệu và truyền bá các giá trị di sản văn hóa. Chính vì vậy chúng ta cần phải khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đầu tư vào các không gian truyền bá các giá trị di sản văn hóa để đón tiếp du khách quốc tế nói chung và du khách là các thế hệ con người Việt Nam nói riêng. Ông Nguyễn Phúc Lưu  hoan nghênh các mô hình phát triển du lịch văn hóa của các doanh nghiệp như: Khu du lịch Nắng Sông Hồng, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam…

Chia sẻ về mô hình xây dựng và bảo tồn văn hóa của Công ty mình, ông Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Nắng Sông Hồng rằng: “ất kể quốc gia nào, cá nhân nào, nếu tồn tại và phát triển được đều cần phải có bản sắc, cốt cách. Văn hóa Việt Nam có nhiều điều thú vị, nhiều ý nghĩa sâu xa mà rất nhiều khách quốc tế muốn được khám phá và trải nghiệm. Điều quan trọng là chúng ta phải làm sao để bộc lộ được cốt cách, bản sắc của mình nhằm tiếp cận được khách hàng. Muốn làm được sản phẩm văn hóa, đòi hỏi chúng ta phải có sự nghiên cứu chuyên sâu, đầu tư tài chính… Bản thân tôi nói riêng và rất nhiều người trẻ nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực này đều rất mong muốn bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc để sản phẩm của Việt Nam ngày càng có tiếng nói”.

Với quan điểm là DN lữ hành, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng, không phải ngẫu nhiên du lịch được xem là cầu nối giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa trên thế giới. Qua hoạt động hướng dẫn du lịch, du khách có cơ hội không chỉ được được tận mắt nhìn thấy trong thực tế, mà còn được hiểu về giá trị các di sản văn hóa nơi mình đến du lịch. Nhiều giá trị văn hóa chỉ có thể cảm nhận được trong những khung cảnh thực của tự nhiên, của nếp sống truyền thống cộng đồng mà không thể có phim ảnh, diễn xuất nào có thể chuyển tải được. Và chỉ có du lịch mới có thể đem lại cho du khách những trải nghiệm đặc biệt, sống động.

Làm du lịch văn hóa phải thực sự có văn hóa

Tuy nhiên về phía DN, ông Hoàng Hải, Giám đốc Khu Du lịch sinh thái Nắng Sông Hồng cũng nêu lên những khó khăn nhất định khi tiến hành mô hình du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống. Theo ông Hải, hiện ông đang nung nấu ý tưởng phục dựng lại nghi lễ vinh quy bái tổ truyền thống tại khu sinh thái. Để thực hiện nghi lễ này cần đến gần 100 người tham gia, những đạo cụ, hỗ trợ cũng như cần không gian lớn để lễ hội diễn ra, nhưng hiện còn nhiều khó khăn về vấn đề đầu tư nghiên cứu, chi phí, thủ tục hành chính. “Tôi luôn quan niệm đã làm du lịch văn hóa phải thực sự có văn hóa, đầu tư bài bản, sâu sắc chứ không muốn tạo ra những sản phẩm có tính chất lai căng, mờ nhạt, có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu, ở bất kỳ nơi nào”, ông Hoàng Hải cho biết.

Di sản văn hóa Việt
Di sản văn hóa Việt 

Hiện chưa có thống kê nào về việc các công ty du lịch không mặn mà với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Tuy nhiên Việt Nam thiếu hướng dẫn, thiếu chế tài để doanh nghiệp du lịch, nhân lực làm du lịch có trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Nhưng nếu doanh nghiệp du lịch sợ đưa yếu tố văn hóa vào sản phẩm sẽ làm tăng chi phí đầu tư ban đầu mà không tính đến việc những yếu tố văn hóa đó sẽ làm tăng giá trị sản phẩm, tăng giá trị bền vững cho sản phẩm thì chính doanh nghiệp đó cũng không thể phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng: “Nhà nước cần có chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện để những cơ sở văn hóa du lịch hiện tại phát triển đúng định hướng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào xây dựng mô hình văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững nhiều và hiệu quả hơn nữa”.

Đọc thêm