Có nên học 'đại học' từ phổ thông?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự kiến năm 2024, học sinh giỏi vượt trội ở bậc THPT có thể được học, công nhận tín chỉ một số môn cơ bản ở đại học. Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian lấy bằng cử nhân. Hiện có nhiều ý kiến trái chiều về mô hình này.
Dự kiến cho học sinh phổ thông học trước chương trình đại học. (Ảnh minh họa: - Nguồn: Hanoimoi.vn)
Dự kiến cho học sinh phổ thông học trước chương trình đại học. (Ảnh minh họa: - Nguồn: Hanoimoi.vn)

Dự kiến thí điểm một số môn học chung từ phổ thông

PGS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học (ĐH) Quốc gia TP HCM cho biết, một trong những mục tiêu, điểm mới của ĐH Quốc gia TP HCM trong năm 2024 là triển khai thí điểm một số môn học chung và công nhận tín chỉ cho học sinh THPT giỏi vượt trội theo phương thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

Theo ông Quân, nhiều ĐH lớn trên thế giới đã triển khai mô hình này. Như tại ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc, các tài năng đặc biệt có thể theo học từ 13 - 14 tuổi, đến 16 -18 tuổi tốt nghiệp ĐH, 20 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ. "Nhiệm vụ của ĐH Quốc gia TP HCM là đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Nếu chúng ta cứ đi theo mô hình tuyến tính thì không có đột phá", ông Quân nói.

Theo PGS Vũ Hải Quân, ĐH Quốc gia TP HCM đang xây dựng quy chuẩn, điều kiện cụ thể cho kế hoạch này. Chương trình hướng đến học sinh tài năng ở tất cả trường phổ thông, không chỉ trong trường chuyên. Dự kiến, học sinh học qua hệ thống bài giảng trực tuyến MOOC của các trường thành viên, sau đó dự thi trực tiếp để được công nhận tín chỉ.

Đây không phải là lần đầu ĐH Quốc gia TP HCM đưa ra đề xuất này. Cách đây hơn 10 năm, ĐH này đã có đề án cho học sinh THPT học và thi tín chỉ một số môn học ở chương trình ĐH. Đề án tham khảo từ chương trình AP (Advanced Placement - chương trình xếp lớp nâng cao, hay còn gọi là dự bị ĐH của Mỹ), giúp học sinh chọn học trước một số môn đại cương ở ĐH (38 môn học) ngay từ phổ thông.

Thời điểm đó, đề án dự kiến thí điểm với học sinh giỏi của trường phổ thông năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TP HCM. Tuy nhiên, các trường thành viên chưa thống nhất vì liên quan đến học phí, cách cấp tín chỉ, hình thức học của học sinh.

Năm 2021, Sở GD&ĐT TP HCM cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép học sinh các trường chuyên được thi và công nhận hoàn thành một số tín chỉ ở các môn cơ bản đang được giảng dạy trong các trường ĐH, cao đẳng. Đến nay, các đề án, kiến nghị này vẫn chưa được triển khai.

Trước thông tin trên, anh Nguyễn Văn Hải (Hà Nội) băn khoăn: “Rút ngắn thời gian lấy bằng cử nhân tương ứng với việc rút ngắn thời gian trải nghiệm ở môi trường ĐH. Cái gì cũng có tính hai mặt. Có vẻ thời đại bây giờ chỉ tập trung vào việc tăng năng suất, giảm thời gian mà không quan tâm việc tăng trải nghiệm. Mặc dù biết tài không đợi tuổi, nhưng với cách học tín chỉ hiện nay chỉ cần 2, 3 năm là lấy bằng cử nhân nếu học sinh thực sự có năng khiếu”.

Trái lại, cũng có những ý kiến cho rằng mô hình này sẽ phù hợp với những học sinh có khả năng vượt trội. Anh Phạm Minh, một giáo viên ở TP HCM cho rằng: “Tôi ủng hộ mô hình này nhưng thay vì học trực tuyến, các trường ĐH có thể tập huấn cho những giáo viên trường chuyên, giáo viên giỏi được giảng dạy trực tiếp cho học sinh. Chương trình đại cương năm nhất không quá khó, còn không khó bằng kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nên nhiều giáo viên THPT đáp ứng được.

Mô hình AP (chương trình xếp lớp nâng cao dành cho học sinh THPT của Mỹ) có chương trình riêng và giáo viên THPT có thể tham gia giảng dạy nếu có trình độ và phương tiện. Đây là chương trình dành cho những học sinh giỏi có khả năng vượt trội, các ĐH lớn trên thế giới đã làm”.

Băn khoăn “quá tải”

Ở góc độ khác, chị Nguyễn Hoa (Hà Nội) cho rằng, việc học trước này sẽ giúp các em vào ĐH đỡ bỡ ngỡ. Hơn nữa khi lên ĐH sẽ có nhiều thời gian để nghiên cứu các chuyên ngành cho tốt. Hiện nhiều em lên năm thứ hai ĐH vẫn không quen với nhịp độ học ĐH. Bên cạnh các chương trình hướng nghiệp, có thể cho các em tiếp xúc trực tiếp với giảng đường, khi đó chọn trường, chọn ngành sẽ giảm bớt sai sót. Tuy nhiên, việc học trước, dù ở cấp học nào cũng luôn có mặt trái.

Hiện nay, đa số học sinh có nhu cầu du học đều tính toán thi các chứng chỉ quốc tế, nhưng không phải học sinh nào cũng đủ điều kiện, năng lực để thi. Nhiều phụ huynh khi nghe đến lợi ích của những chương trình này đã ép con mình phải học, thi tạo áp lực lên con cái. Một học sinh lớp 12 trường THPT chuyên tại TP HCM chia sẻ, từ lớp 11, em bắt đầu tìm hiểu và định hướng du học Mỹ ngành Marketing.

Nếu có chứng chỉ AP bên cạnh điểm SAT, sẽ tăng khả năng trúng tuyển và học bổng. Tuy nhiên, việc vừa ôn luyện AP vừa theo chương trình học ở trường khiến em đôi lúc cảm thấy đuối. Hơn nữa, thời điểm thi AP diễn ra vào tháng 5, trùng với thi học kỳ ở các trường công lập.

Với học sinh trường công, việc vừa học chương trình chính khóa vừa tham gia các chương trình quy đổi tín chỉ như AP có thể gây quá tải, dẫn đến căng thẳng, chán nản. Học sinh không có đủ thời gian để làm các hoạt động khác, trong khi với các trường ĐH ở Mỹ, hội đồng tuyển sinh coi trọng hoạt động ngoại khoá, không chỉ quan tâm đến điểm số đơn thuần...

“Nếu đề án được triển khai, những học sinh tài năng có thể rút ngắn quá trình học ĐH, tối đa được một năm. Quan trọng, đây là cơ hội để học sinh được làm quen môi trường ĐH, sớm có định hướng nghề nghiệp”, PGS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM.

“Càng ngày chương trình càng nặng gây áp lực rất lớn cho trẻ, học tới 11h đêm chưa làm hết phiếu bài tập. Giờ còn tính học trước các môn của đại học thì học sinh chắc học ngày, học đêm, không có thời gian chơi thể thao hay tham gia các hoạt động xã hội nữa. Chương trình liệu có khả thi, ai kiểm soát chất lượng nếu nhu cầu này “bùng nổ”?”, anh Nguyễn Phương (Hà Nội).

Đọc thêm