Dự thảo Thông tư về quy chế thi tốt nghiệp THPT: Mở rộng chứng chỉ được miễn thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT và lấy ý kiến góp ý đến ngày 15/2/2024. Theo đó, các loại chứng chỉ ngoại ngữ được phép miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ sẽ mở rộng hơn so với năm 2023.
Dự kiến thí sinh có thêm nhiều cơ hội miễn thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh. (Ảnh: PV)
Dự kiến thí sinh có thêm nhiều cơ hội miễn thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh. (Ảnh: PV)

Thêm cơ hội cho người học

Dự thảo bổ sung chứng chỉ đủ điều kiện miễn thi để xét tốt nghiệp THPT với môn ngoại ngữ. Năm 2023, với môn Tiếng Anh các chứng chỉ được công nhận gồm: TOEFL ITP (yêu cầu tối thiểu 450 điểm), TOEFL iBT (yêu cầu tối thiểu 45 điểm) và IELTS (yêu cầu tối thiểu 4.0 điểm). Năm 2024, ngoài các chứng chỉ trên, môn Tiếng Anh còn bổ sung: B1 Preliminary/B1 Business Preliminary/B1 Linguaskill; TOEIC; Aptis ESOL B1; PEARSON PTE B1; chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bậc 3. Trong đó, với chứng chỉ TOEIC, thí sinh cần đạt kỹ năng nghe từ 275 - 399 điểm, kỹ năng đọc từ 275 - 384, kỹ năng nói từ 120 - 159, kỹ năng viết từ 120 - 149 điểm.

IELTS là tên viết tắt tiếng Anh của cụm từ International English Language Testing System, chứng chỉ quốc tế công nhận khả năng tiếng Anh của người dự thi. Kết quả của kỳ thi IELTS được xem là chứng chỉ tin cậy khi đánh giá toàn diện cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết của thí sinh. IELTS gồm 2 dạng: IELTS học thuật và IELTS tổng quát. IELTS học thuật thường dành cho những người có mong muốn du học đại học hoặc sau đại học. IELTS tổng quát dành cho những người dự định học nghề hoặc định cư ở nước ngoài.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, khi học sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 sẽ được miễn thi ngoại ngữ THPT, miễn học tiếng Anh năm nhất, năm hai đại học và được ưu tiên xét tuyển vào các trường đại học,

Theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, việc bổ sung các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết để bảo đảm công bằng cho các chứng chỉ ngoại ngữ có trình độ tương đương, bảo đảm quyền lợi cũng như mở rộng cơ hội chính đáng cho người học.

Hơn nữa, trước đây quy định miễn thi ngoại ngữ có ở văn bản hướng dẫn tổ chức thi từng năm, năm nay sẽ bổ sung vào quy chế để bảo đảm tính pháp lý thống nhất, tránh trường hợp mỗi nơi hiểu khác nhau. Cũng theo Cục Quản lý chất lượng, theo dự kiến, thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 ban hành sớm hơn 2 tháng so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, nhà trường trong công tác chuẩn bị.

Cùng với những thay đổi trong tuyển sinh thời COVID-19, những năm gần đây, chứng chỉ IELTS được nhiều trường ĐH tốp đầu dùng để xét tuyển sớm thí sinh mà không phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp như trước. Theo thống kê, mùa tuyển sinh năm 2023 đã có hơn 40 trường đại học công bố xét tuyển thẳng nếu có IELTS từ 4.0 - 6.5, chưa tính các trường xét tuyển IELTS kết hợp với điều kiện khác. Tuỳ theo từng trường, từng chuyên ngành, chứng chỉ IELTS được quy đổi sang điểm ngoại ngữ hoặc điểm ưu tiên khi xét tuyển.

Còn rào cản trong sử dụng ngoại ngữ

Cũng mới đây, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia tổ chức Hội thảo công bố báo cáo thường niên 2023 với chủ đề “Dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam”.

Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam GS. Lê Anh Vinh cho biết: Trong 10 năm trở lại đây, dạy, học Ngoại ngữ tại Việt Nam phát triển rất nhanh, đặc biệt ở các vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, các thành phố lớn. Mặc dù được quan tâm, chú trọng nhưng trong quá trình triển khai việc dạy, học ngoại ngữ tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như nhận thức người dạy, học; Khó khăn về thiếu giáo viên và chất lượng đội ngũ giảng dạy; Hạn chế tiếp cận do vùng miền, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học…

Theo báo cáo thường niên 2023 về “Dạy, học Ngoại ngữ tại Việt Nam”, Chương trình môn Tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế nhằm tạo sự liên thông, liền mạch trong quá trình dạy, học tiếng Anh trong toàn bộ hệ thống, từ lớp 1 đến lớp 12. Việc triển khai theo lộ trình dần dần thay thế các chương trình dạy ngoại ngữ hiện có.

Bên cạnh đó là những số liệu đáng chú ý liên quan đến kỳ thi IELTS. Bà Mai Hữu - Trưởng Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia cho biết, điểm trung bình kỳ thi IELTS học thuật (Academic) của người Việt Nam năm 2022 là 6.2. Trong số 40 quốc gia tổ chức kỳ thi (IELTS) vào năm 2022, thành tích của thí sinh Việt Nam đứng thứ 23, cùng với Hàn Quốc và Ấn Độ.

Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT xét duyệt kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh thông qua điểm thi một số kỳ thi quốc tế như IELTS, TOEIC. Cụ thể, Bộ GD&ĐT xét miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương.

Bà Mai Hữu cũng dẫn thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT): Trên cả nước, số lượng học sinh đủ được miễn thi bài thi ngoại ngữ tăng hàng năm: 28.620 thí sinh năm 2021, 35.391 thí sinh năm 2022 và 46.667 thí sinh trong năm 2023. Thí sinh tham gia kỳ thi IELTS tại Việt Nam trong vòng 5 năm qua có độ tuổi ngày càng trẻ hơn, với nghiên cứu vào năm 2022 cho thấy 62% học viên thi IELTS nằm trong độ tuổi từ 16 - 22. Đồng thời, báo cáo cũng cho rằng, kết quả của học sinh Việt Nam chưa thực sự vượt trội trong các kỳ thi tiếng Anh quốc tế. Học sinh Việt Nam thể hiện thế mạnh trong môn đọc (reading), nghe (listening) và gặp khó khăn nhất với môn nói (speaking), trong đó điểm trung bình môn nói cho kỳ thi TOEFL là 14/30 và cho kỳ thi IELTS là 5.8. Và đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, điểm thi trung bình của học sinh từ năm 2021 - 2023 đạt 6/10 điểm, trong đó 42 - 50% học sinh đạt dưới điểm 5.

Do đó, trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và các nhà hoạch định chính sách đặc biệt quan tâm tới những rào cản học sinh Việt Nam đang gặp phải trong quá trình tiếp thu và sử dụng ngoại ngữ, từ đó đưa ra những giải pháp giúp học sinh Việt Nam có thể bứt phá năng lực ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

Liệu có thiếu công bằng cho thí sinh?

Với dự kiến mở rộng chứng chỉ thuộc diện miễn bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2024, các chuyên gia dự báo sẽ có thêm nhiều thí sinh được miễn thi ngoại ngữ. Nhiều giáo viên bày tỏ quan điểm không đồng tình với các quy đổi này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi học sinh ở các nơi khác nhau sẽ có điều kiện học ngoại ngữ khác nhau.

Theo nhiều ý kiến, thi các chứng chỉ ngoại ngữ được thiết kế 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, trong khi bài thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh về ngữ pháp và từ vựng, chủ yếu là kỹ năng đọc và viết. Nên hai bài thi này khác nhau về bản chất và không thể so sánh với nhau. Hơn nữa, các kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ là kỳ thi có đóng phí và người thi có thể thi lại nhiều lần, trong khi thi tốt nghiệp THPT chỉ có một lần với áp lực rất lớn. Do đó, không ít ý kiến cho rằng, cách quy đổi này sẽ gây thiếu công bằng cho thí sinh. Chưa kể, hiện nay, các trung tâm được cấp chứng chỉ ngoại ngữ chưa được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng chưa đồng đều…

Theo GS Lê Anh Vinh, ở thành phố có thể học sinh lớp 6 đã đạt IELTS 8.0 nhưng ở vùng sâu, vùng xa thì còn rất nhiều khó khăn trong tiếp cận ngoại ngữ. Do vậy, vẫn cần rất nhiều đầu tư về nguồn lực trong thời gian tới để thu hẹp khoảng cách này. Với người học, cần làm thế nào để học sinh thấy việc học ngoại ngữ là nhu cầu tự thân, học vì thấy cần cho cuộc sống, công việc thì chất lượng dạy học môn học này sẽ được cải thiện.

Đọc thêm