Có nên lấy đánh giá “ngoại” làm thước đo phim Việt?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Không ít trường hợp phim Việt được khán giả trong nước ủng hộ, nhưng bị nhận xét “thảm họa” tại một số trang phê bình phim của nước ngoài và ngược lại, phim đoạt giải quốc tế nhưng khán giả Việt quay lưng. Vậy, có nên xem đánh giá của nước ngoài như một tiêu chí cho điện ảnh Việt?
Phim “Bố già” lập kỉ lục doanh thu phòng vé trong nước nhưng bị một bộ phận phê bình nước ngoài chê thảm hại.
Phim “Bố già” lập kỉ lục doanh thu phòng vé trong nước nhưng bị một bộ phận phê bình nước ngoài chê thảm hại.

Tranh cãi về bộ phim doanh thu khủng

Mới đây, thông tin phim “Bố già” của Trấn Thành bị chuyên trang điện ảnh Rotten Tomatoes chê “thảm hại” được lan truyền trên mạng xã hội. Bộ phim chỉ được giới phê bình nước ngoài chấm 29% thông qua 7 bài đánh giá, trong đó có 5 bài dành lời chê và liệt “Bố già” vào hàng phim dở. Thậm chí, có những lời nhận xét nghe rất “gai góc”, như cây bút phê bình của Variety - một tờ tạp chí trong lĩnh vực nghệ thuật của Mỹ, nhận xét “Bố già” khiến người xem thất vọng vì mang nặng hơi hướng phim truyền hình và lạm dụng quá nhiều sự căng thẳng, lên gân, gào thét... Hài hước giả tạo, ngớ ngẩn, la hét, mệt mỏi... là một số “từ khóa” nhận định của nhiều nhà phê bình phim nước ngoài về “Bố già”.

Với một bộ phim điện ảnh được phát hành, chuyện khen, chê từ giới phê bình trong và ngoài nước là rất “bình thường”. Tuy nhiên, đáng nói ở đây chính là những lời công kích đến từ một bộ phận khán giả Việt. Trên mạng xã hội, một làn sóng “tấn công” ác ý vào bộ phim “Bố già” đã xuất hiện, ngay sau thông tin bộ phim của Trấn Thành bị các chuyên gia điện ảnh nước ngoài chấm điểm thấp “thảm hại”. Có không ít bài viết, bình luận trên mạng xã hội đồng tình với các ý kiến chỉ trích, chê bai, vùi dập bộ phim. Ngoài những phân tích khá khách quan như hóa trang cẩu thả, nhiều tình tiết quá lố, thiếu đi chiều sâu cảm xúc... thì một số lời chê bai lại mang tính công kích, “ném đá”.

Trên một số diễn đàn điện ảnh, có không ít người dựa vào ý kiến của giới phê bình nước ngoài để dành những lời nặng nề, cho rằng bộ phim tệ hại, thành công là nhờ truyền thông “lăng xê” quá mức, nhờ sự nổi tiếng của Trấn Thành cùng với lượng fan hâm mộ khổng lồ. Thậm chí, còn có không ít ý kiến cho rằng, điện ảnh Việt khó có thể phát triển được là bởi khán giả còn phát sốt bởi những bộ phim như “Bố già”!

Có thể thấy, những điểm số cũng như lời phê bình đến từ một bộ phận giới phê bình phim nước ngoài đã trở thành “điểm tựa” cho các mũi dùi hướng về phía bộ phim có doanh thu hàng đầu Việt Nam hiện nay, cũng như khơi lên những cuộc tranh cãi bất tận về định nghĩa hay - dở trong thị trường điện ảnh Việt.

Phim “Kiều” gây tranh cãi trong nước lại nhận được lời khen từ một số nhà làm phim ngoại.

Phim “Kiều” gây tranh cãi trong nước lại nhận được lời khen từ một số nhà làm phim ngoại.

Nghịch lý khen - chê

Tuy nhiên, một bộ phận khán giả cũng như giới phê bình điện ảnh Việt bày tỏ sự không đồng tình trước ý kiến “vùi dập” bộ phim “Bố già” nếu căn cứ vào nhận định của giới phê bình phim nước ngoài.

Ý kiến của nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm đã được nhiều người đồng tình, trong đó, ông Lê Hồng Lâm phân tích, Rotten Tomatoes là một kênh tập hợp những bài điểm phim trên báo chí Mỹ và lấy số điểm trung bình cộng. Đã có không ít phim của Hollywood điểm số cao lại “đội sổ” phòng vé và ngược lại. Vì thế, chỉ nên coi Rotten Tomatoes là một kênh tham khảo chứ không phải là một “ông quan tòa” về phim ảnh và dựa vào điểm số này để “hạ bệ” phim Việt là không nên.

Đây không chỉ là câu chuyện của bộ phim “Bố già”. Điện ảnh Việt là một phần, gắn bó với tiến trình phát triển của điện ảnh quốc tế. Nhưng mỗi một nền điện ảnh có một tính chất, bản sắc riêng, phù hợp với từng đối tượng khán giả riêng trong và ngoài nước. Phim “Bố già” công chiếu tại nước ngoài vẫn đạt doanh thu lớn, trong số khán giả đi xem có không ít khán giả ngoại quốc.

Hoặc như phim “Kiều” của Mai Thu Huyền, khi công chiếu tại Việt Nam không được khán giả trong nước mặn mà, thậm chí bị nhiều ý kiến cho là “thảm họa”, nhưng khi công chiếu nước ngoài lại được một số nhà phê bình khen là “thú vị”, “truyền tải được nét đẹp văn hóa Việt”.

Hay một trường hợp khác, phim “Vị” đoạt giải thưởng danh giá nước ngoài, được báo giới nước ngoài chú ý, nhưng không được cho phép công chiếu tại Việt Nam. Một số nhà làm phim và khán giả Việt tiếp cận được bộ phim đều đồng tình “cấm là đúng” khi bộ phim có những bối cảnh quá trần trụi, đen tối, thiếu đi tinh thần nhân văn và không thực sự phản ánh đúng đời sống, văn hóa Việt, khiến người xem thấy xa lạ.

Có đôi khi, lời khen đến từ sự khích lệ, động viên, choáng ngợp với cái mới lạ. Lời chê cũng vậy, có thể đến từ sự thiếu sâu sát và thấu hiểu một nền điện ảnh, nền văn hóa. Những lời phê bình từ nước ngoài, có thể xem là một kênh để tham khảo, học hỏi, nhưng điện ảnh Việt cũng cần có cái nhìn độc lập của chính mình. Và trên hết, sự yêu thích của khán giả vẫn nên là thước đo sau cùng cho sự thành công của một bộ phim. Còn hay hay dở... tùy vào cảm nhận cá nhân của mỗi người vậy.