Có nên "tháo khoán" hạn đăng ký lại cho DN có vốn nước ngoài?

Nếu không sửa Điều 170 Luật Doanh nghiệp, sẽ có 2.000 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) phải đóng cửa. Nhưng nếu sửa -  là lần sửa thứ 2 điều luật này - thì “quyền uy” pháp luật coi như quá dễ dãi.

Nếu không sửa Điều 170 Luật Doanh nghiệp, sẽ có 2.000 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) phải đóng cửa. Nhưng nếu sửa -  là lần sửa thứ 2 điều luật này - thì “quyền uy” pháp luật coi như quá dễ dãi.

Hết hạn là hoạt động… “chui”

Tại buổi thảo luận về Luật sửa đổi Điều 170 Luật DN chiều qua (5/6), các ĐBQH đã bày tỏ những lo ngại trước những hệ lụy của tình trạng “DN ĐTNN hết thời hạn sử dụng giấy phép đầu tư (GPĐT) nhưng chưa đăng ký lại”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/05/2013, có 2.916 DN trong tổng số 6.000 DN có vốn ĐTNN được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài trước đây chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của Luật DN năm 2005.

Trong số các DN nêu trên, có 41 đơn vị sẽ hết thời hạn hoạt động từ ngày 31/5/2013; số lượng còn lại là các DN chưa hết thời hạn hoạt động, nhưng có khả năng bổ sung, mở rộng ngành nghề kinh doanh. Trong các năm 2014-2015, số lượng DN hết thời hạn hoạt động sẽ tăng đáng kể (đến 31/12/2014 là 142 đơn vị và đến 31/12/2015 là 269). Tổng vốn đăng ký của các DN nêu trên, tính đến 31/5/2013 là 18,5 tỷ USD với số lượng lao động sử dụng 446.000 người. Phần lớn các DN này hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

ĐB Hoàng Thanh Tùng (tỉnh Sóc Trăng) khẳng định: “Những DN khi đã hết thời hạn hoạt động theo GPĐT vẫn tuyển dụng lao động, ký kết hợp đồng… là hoạt động “chui” và tạo nên sự bất bình đẳng với các DN thực hiện nghiêm qui định đăng ký lại, khiến DN cho rằng “có thể hoạt động bất chấp pháp luật, qui định của GPĐT”.

Quan trọng hơn, “khi có vấn đề xảy ra, sẽ áp dụng pháp luật về DN trong nước hay DN ĐTNN để giải quyết” – ĐB Tùng đặt vấn đề. Bên cạnh đó, khi hết thời hạn GPĐT, các DN đó có tiếp tục được hưởng ưu đãi theo qui định của Luật Đầu tư?. Có bị truy thu thuế?...

Vì thế, các ĐBQH nhận xét, việc sửa đổi ĐIều 170 Luật DN với đề xuất bỏ qui định về thời hạn đăng ký lại của DN ĐTNN - chỉ 4 năm sau khi sửa lần đầu (năm 2009) - cho thấy “sự bất cập trong công tác phối hợp xây dựng luật, chưa có sự nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách. Nếu theo dõi, kiểm tra sát sao sẽ phát hiện vướng mắc để giải quyết kịp thời, không để 1 điều luật mà phải sửa đến 2 lần như vậy”.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (tỉnh Hòa Bình) đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý DN ĐTNN, hay “do Quốc hội khi thông qua một dự án Luật không phù hợp với thực tế như điều 170 Luật DN?”.

Không đăng ký lại phải giải thể

ĐBQH cho rằng, nếu bỏ qui định về thời hạn đăng ký lại thì phải qui định “DN phải đăng ký lại trước khi hết thời hạn GPĐT” để hạn chế việc DN vẫn hoạt động dù đã hết phép. ĐB Ngô Văn Minh (tỉnh Quảng Nam) phản ánh, năm 2009 đã sửa điều này và đã gia hạn 1 lần nhưng rõ ràng không khả thi làm cho chính sách pháp luật phải thay đổi nhiều.

Tuy nhiên, để tránh việc “ngầm hiểu” quy định đó là “công nhận sự tồn tại của DN chưa đăng ký lại”, ĐB này đề nghị, “đối với những DN không đăng ký lại còn thời hạn hoạt động phải đăng ký lại trước thời hạn nếu không phải giải thể”.

Tán thành những lo ngại về tình trạng DN đang được “tháo khoán” trong việc quyết định đăng ký lại hoạt động hay không, ĐB Nguyễn Công Hồng (tỉnh Đồng Nai) phân tích về “lựa chọn khó khăn” trong thời điểm hiện nay.

Nếu không sửa luật, gần 3.000 DN sẽ hết hạn và phải giải thể, gây thêm nhiều khó khăn cho nền kinh tế; trong khi chấp nhận sửa đổi điều 170 Luật DN để thu hút các nguồn lực nước ngoài đầu tư và phát triển nền kinh tế lại dẫn đến sự sụt giảm “uy quyền” của pháp luật. Trước tình trạng ĐTNN năm 2012 đã giảm so với năm 2011, ĐB Hồng cho rằng, Quốc hội “buộc phải “linh động” sửa đổi Điều 170 theo hướng từ “cực này cang cực khác”, nghĩa là “từ qui định thời hạn DN phải đăng ký lại đến “tháo khoán” cho DN tự quyết”.

Trước những ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận: “Việc chậm trễ trong hoàn thiện qui định về vấn đề này có trách nhiệm của Bộ và phải sửa ngay. Nếu không sửa Điều 170 thì sẽ phải “đóng cửa” đến 2.000 DN, gây hậu quả lớn. Sắp tới phải qui định rõ thời điểm đăng ký lại, nếu không thực hiện dứt khoát giải thể".

Hải Nhật

Đọc thêm