Có nên trả tiền cho người quay clip vi phạm giao thông?

(PLVN) -  Đề xuất lực lượng chức năng trả tiền cho người dân để mua clip quay hình ảnh vi phạm giao thông đang gây tranh cãi. Nhiều vấn đề đặt ra: Nguồn tiền từ đâu? Clip như nào thì được nhận tiền? “Giá” bao nhiêu thì hợp lý?...
Ảnh minh họa

Khó khả thi?

Vì không thể lắp camera ở khắp mọi nơi nên việc người dân quay lại các hành vi vi phạm giao thông và gửi đến cơ quan chức năng là một trong những giải pháp giúp tăng cường xử phạt vi phạm. Để khuyến khích người dân thực hiện hành động này, một lãnh đạo tại Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) – Bộ Công an đã đưa ra đề xuất trả tiền cho người quay video về vi phạm giao thông.

Đề xuất trên ban đầu nhận được hưởng ứng từ cộng đồng mạng, tuy nhiên sau đó lại được đánh giá là khó khả thi.

Những người ủng hộ đề xuất thì cho rằng, ý tưởng mua clip vi phạm giao thông sẽ tạo động lực cho nhiều người dân gửi clip tự quay hoặc trên camera hành trình trên xe mình tới lực lượng CSGT, thay vì chỉ đưa lên các diễn đàn mạng xã hội như hiện nay. Về phía đơn vị CSGT sẽ có cổng thông tin tiếp nhận, có quy trình để xác minh tính khách quan, trung thực của dữ liệu nhận được, từ đó làm căn cứ để “phạt nguội”, tăng thu cho ngân sách.

Điều này góp phần nâng cao văn hoá giao thông bởi vi phạm có thể được ghi lại ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào thay vì chỉ trên các tuyến cao tốc hoặc ngã ba, ngã tư có camera giám sát như hiện nay. Do đó, người dân sẽ có ý thức chấp hành luật giao thông hơn. Những trường hợp vi phạm như ô tô đi vào làn xe máy, đi vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc, vượt đèn ẩu,… phần nào sẽ giảm bớt.

Còn theo những ý kiến phản đối, đề xuất trên khó khả thi và không hợp lý, có thể nảy sinh nhiều bất cập khác. Những vấn đề chính gây tranh cãi như: ai sẽ được nhận tiền và số tiền đó là bao nhiêu mới hợp lý. Đơn cử, nếu nhiều người dân cùng ghi hình một vi phạm giao thông và gửi cho CSGT thì ai sẽ được nhận tiền? Khi video gửi đi có chất lượng hình ảnh kém, không thể nhìn rõ người hay hành vi vi phạm, hay góc quay không phản ánh đúng thực tế trên đường thì người quay đó có được trả tiền hay không?

Ở vấn đề thứ hai, số tiền trả cho người dân để mua clip sẽ là bao nhiêu, số tiền này lấy từ đâu? Một bộ phận người dân cho rằng, việc phát hiện và xử lý vi phạm đã được luật quy định là trách nhiệm của lực lượng chức năng. Vì thế, việc quy định thêm trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông và yêu cầu ngân sách nhà nước phải bỏ ra thêm một khoản tiền để mua clip là không hợp lý.

Chưa kể, mức chi trả thấp thì không tạo được động lực, còn mức chi trả cao thì vừa lãng phí ngân sách vừa tạo ra bất cập. Có khả năng một số người sẽ biến việc “săn” các hành vi vi phạm giao thông thành một nghề chuyên nghiệp, thậm chí không ngần ngại xâm phạm đời tư của người khác để kiếm lợi từ cơ chế này. Mục đích ban đầu là ghi lại những hành vi vi phạm giao thông để xử lý, “phạt nguội” có thể sẽ bị biến tướng.

Cần khuyến khích người dân tự giác

Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước châu Âu, hình thức “phạt nguội” thường xuyên được áp dụng. Người dân đã hình thành văn hoá khi tham gia giao thông rằng khi họ gặp phải những trường hợp vi phạm giao thông, camera hành trình hoặc camera cá nhân ghi lại được, họ sẽ gửi tới các cơ quan chức năng để tố giác vi phạm.

Như vậy, việc người dân phối hợp với các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả phát hiện kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm sẽ góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn hơn. Hành động này cũng phần nào giảm áp lực cho CSGT khi không chỉ “chăm chăm” cả ngày để “soi” lỗi vi phạm, trong khi thiết bị camera phục vụ việc giám sát chưa đồng bộ và mới chỉ tập trung ở những khu vực trọng điểm nội đô, các tuyến quốc lộ.

Do đó, nhiều ý kiến cùng cho rằng: thay vì xây dựng một cơ chế mua bán thương mại các clip vi phạm giao thông của người dân, việc cần thiết hơn hết là tuyên truyền cho người dân biết và hiểu, khuyến khích họ tham gia một cách nhiệt tình, tự giác trong việc tố giác các hành vi vi phạm tới cơ quan chức năng để sớm xử lý kịp thời, triệt để. Chỉ khi xã hội hình thành thói quen tẩy chay vi phạm giao thông thì văn hoá giao thông, ý thức khi tham gia giao thông mới có thể được cải thiện, những hành vi vi phạm từ đó mới thuyên giảm.

Ngày 16/5, Công an thành phố Hà Nội thông tin về cập nhật các điểm mới về “phạt nguội” theo Thông tư số 15/2022/TT-BCA (ngày 6/4/2022) của Bộ Công an về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 65/2020/TT-BCA (ngày 19/6/2020) của Bộ Công an, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, bắt đầu áp dụng từ ngày 21/5/2022.

Theo đó, có 5 điểm mới như sau: Tăng thời hạn xử lý “phạt nguội” lên 10 ngày; Được gửi kết quả “phạt nguội” đến Công an nơi người vi phạm cư trú để giải quyết; Không cần quay lại nơi vi phạm giải quyết “phạt nguội”; Tăng thời hạn gửi thông báo cảnh báo đăng kiểm ô tô và Cho phép nộp phạt giao thông tại Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an.

Đọc thêm