Có phải trả thù lao cho người hòa giải?

(PLO) - Bạn đọc Cấn Thị Hằng ở Thọ Xuân, Thanh Hoá hỏi: Người dân chúng tôi có phải trả tiền thù lao cho những người đến hòa giải mâu thuẫn trong các gia đình hay không ?
Ông Đỗ Xuân Lân

Ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp: Luật hòa giải ở cơ sở không quy định người dân khi tiếp cận với công tác hòa giải ở cơ sở phải trả tiền thù lao cho người đến hòa giải.

Tuy nhiên, theo khoản 5, Điều 9 của Luật và khoản 2, Điều 13, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP thì hòa giải viên có quyền được hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải.

Để được hưởng thù lao, hòa giải viên phải không vi phạm nghĩa vụ tại Điều 10 của Luật và vụ, việc được tiến hành hòa giải và đã kết thúc (khi các bên đạt được thỏa thuận; hoặc khi một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải hoặc dòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả). Mức chi tối đa không quá 200.000 đồng/1 vụ việc; mức chi cụ thể theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thực tế, người làm công tác hòa giải ở cơ sở được ví như người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, hầu như họ không được nhận thù lao của các bên khi đi hòa giải và thực tế do điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương còn nhiều khó khăn nên cũng chưa thực hiện tốt chế độ thù lao theo vụ việc đối với hòa giải viên.

Về bản chất, đây là một phương thức giải quyết tranh chấp cộng đồng, mang tính tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm dưới sự hỗ trợ của Nhà nước. Về nguyên tắc, hoạt động này phải tôn trọng sự tự nguyện, không bắt buộc, áp đặt các bên; phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; phải khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên; tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, đồng thời không lợi dụng để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

Đọc thêm