Cổ phần hóa bệnh viện công lập: Hình thành các tập đoàn bệnh viện nhà nước

(PLO) - Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), đã đến lúc các bệnh viện (BV) phải thay đổi cơ chế quản trị hiện hành theo hướng chuyển toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập sang mô hình doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (DN)…
Việc CPH BV phải được tiến hành theo cơ chế đặc thù. Ảnh minh họa
Việc CPH BV phải được tiến hành theo cơ chế đặc thù. Ảnh minh họa

Cơ chế cũ không còn phù hợp

Trong đề xuất mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ,  Ban Kinh tế TW, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ban Đổi mới doanh nghiệp TW, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VAFI khẳng định những tồn tại bất cập trong hệ thống BV công lập hiện nay chủ yếu là do cơ chế quản lý BV công lập chưa thay đổi và vẫn là cơ chế hành chính quan liêu bao cấp, chứ không phải là cơ chế quản trị hiệu quả và chuyên nghiệp theo thông lệ thế giới.

Một loạt câu hỏi được VAFI đặt ra như: Tại sao bao nhiêu năm rồi chúng ta không phát triển các thương hiệu mạnh như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy… xuống các tỉnh mà cho tới giờ chỉ có 1 cơ sở duy nhất? Việc xây dựng và mở rộng quy mô của BV tỉnh, BV huyện với nguồn nhân lực hạn chế có làm nên 1 thương hiệu mạnh hay không? Tại sao đội ngũ bác sỹ giỏi không mặn mà làm việc tại các BV tuyến dưới mà chỉ mong ước được làm việc tại các BV lớn và mạnh? Tại sao các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân lớn trong nước lại tuyển dụng được nhân sự giỏi sẵn sàng đi công tác tại địa phương?

“Vấn đề ở đây là do cơ chế quản lý BV công lập hiện hành quá lạc hậu và không thể áp dụng được cơ chế quản trị DN hiện đại. Phải thay đổi cơ chế quản trị hiện hành theo hướng chuyển toàn bộ hệ thống BV công lập sang mô hình DN công ích hoạt động theo Luật DN, từ đó cổ phần hóa (CPH) các BV lớn do Nhà nước nắm giữ cổ phần đa số để hình thành nên các tập đoàn BV nhà nước và từ đó thực hiện tiến trình sáp nhập các BV tỉnh, BV huyện vào các BV lớn nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng dịch vụ tại các BV địa phương và các BV nhỏ tại thành thị ...”- VAFI đề xuất. 

Thời cơ đã chín muồi?

Theo VAFI, có 3 yếu tố quan trọng để tiến hành CPH BV công lập: Thứ nhất,  cho tới hết năm 2016, đã có 82% dân số tham gia BHYT và hướng tới 100% dân số tham gia BHYT, NSNN sẽ chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp cho BV sang hỗ trợ cho người nghèo mua bảo hiểm; Thứ hai, kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên; Thứ ba, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã phát triển được 15 năm, việc CPH niêm yết chứng khoán đối với nhiều BV là việc rất dễ dàng. Các BV được CPH có thể dễ dàng huy động được hàng tỷ đô la từ các nhà đầu tư tài chính trong nước và quốc tế. 

“Nếu chúng ta không tranh thủ TTCK thì sẽ là một sự lãng phí rất lớn, trong khi hàng năm NSNN phải bơm hàng tỷ đô la vào hệ thống BV mà không cải thiện nhiều chất lượng dịch vụ, hơn nữa nợ công tăng cao thì cũng không thể có đủ nguồn vốn  để ném vào ngành Y tế, đó là chưa kể có sự thất thoát tham nhũng trong quản lý vốn đầu tư…” - ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI phát biểu.

Mô hình nào?

Từ thực tế bài học Chính phủ đã từng sắp xếp các DN có cùng ngành nghề với nhau để hình thành nên Tổng Công ty 90.91, trong đó có 2 tổng công ty của Bộ Y tế (Tổng Công ty Dược và Tổng Công ty Thiết bị Y tế), VAFI cho rằng không thể hình thành nên các Tập đoàn BV nhà nước theo cách thức cũ.

“Từ lộ trình tăng viện phí sắp hoàn thành, từ chính sách BHYT toàn dân, từ hoạt động tự chủ năng động của nhiều BV tư nhân  thì có thể khẳng định rằng toàn bộ các BV mạnh có thể hoàn toàn thực hiện chế độ tự chủ tài chính và đây là tiền đề  quan trọng để  CPH các BV này theo cơ chế đặc thù…”- ông Hải phát biểu.

Theo đó, cơ chế đặc thù mà VAFI nói đến là các BV lớn (Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy…) sẽ thực hiện IPO bước đầu với tỷ lệ CPH bán ra hạn chế khoảng 15%/ vốn điều lệ dành cho người lao động và cổ đông bên ngoài. Giai đoạn đầu Nhà nước sẽ nắm giữ 85% /vốn điều lệ. Sau CPH, khi  chất lượng quản trị DN đã được thay đổi thì tiến hành thu hút đối tác chiến lược là các Tập đoàn BV nước ngoài có tên tuổi và thương hiệu mạnh nhằm thu hút kỹ năng quản trị BV và thu hút công nghệ khám chữa bệnh chất lượng cao. 

Cũng theo đại diện VAFI, từ  thúc đẩy hình thành phát triển các Tập đoàn BV, thúc đẩy phong trào hợp nhất, sáp nhập sẽ đạt được hiệu quả là từng bước chuyển được cơ chế quản lý hành chính quan liêu sang cơ chế quản trị chuyên nghiệp. Việc quản lý mọi hoạt động các BV “ con “ (BV tỉnh, huyện) được chuyển từ cơ quan hành chính (như sở y tế, bộ, ngành, địa phương) sang cho các tập đoàn.

“Khi các tập đoàn BV nhà nước ngày càng phát triển thì sẽ xóa bỏ ranh giới của BV trung ương và địa phương. Khi đó vai trò của Bộ Y tế và các Sở Y tế chỉ là công việc quản lý nhà nước, giám sát việc thực thi pháp luật của hệ thống BV chứ không phải lo công việc quản lý hành chính vụ việc như hiện nay…”- Phó Chủ tịch VAFI khẳng định… 

Đọc thêm