Ngày 1/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo 460 triệu cổ phiếu mã BCR của Công ty Cổ phần BCG Land sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM vào ngày 8/12. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 12.000 đồng, biên độ dao động +/- 40%. Ở mức giá tham chiếu này, giá trị vốn hóa BCG Land đạt 5.520 tỷ đồng.
Đây là công ty bất động sản hiếm hoi lên sàn trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay. Quá trình IPO BCG Land bắt đầu từ giữa năm 2022, tuy nhiên thị trường bất động sản và kinh tế Việt Nam thời gian trải qua nhiều biến động đã khiến tiến độ IPO kéo dài hơn so với kế hoạch.
BCG Land là công ty trụ cột mảng bất động sản của Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG). Khi mới thành lập vào năm 2018, BCG Land có vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Sau nhiều đợt tăng vốn, vốn điều lệ BCG Land hiện tại là 4.600 tỷ đồng. Hiện tại, cổ đông lớn nhất của BCG Land là Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG), sở hữu 285,6 triệu cổ phiếu BCR chiếm 62,1% vốn điều lệ. Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, HoSE: TCD) – một đơn vị thành viên khác của Tập đoàn Bamboo Capital, cũng đang sở hữu hơn 43,4 triệu cổ phiếu BCR, chiếm 9,43% vốn điều lệ của BCG Land.
|
Các phân khúc đầu tư chính của BCG Land là bất động sản nhà ở và khu đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng. Một số dự án tiêu biểu mà BCG Land đã và đang triển khai là Casa Marina Resort, Casa Marina Premium (Bình Định), Malibu Hội An, Hoian d’Or (Quảng Nam), King Crown Village, King Crown Infinity (TP. Hồ Chí Minh). Trong trung hạn sắp tới, BCG Land sẽ nghiên cứu phát triển thêm loại hình bất động sản công nghiệp tại các tỉnh thành tiềm năng.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022, doanh thu của BCG Land đạt 1.132 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 316 tỷ đồng. Kết quả 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu thuần BCG Land đạt 583 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 136 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của BCG Land đạt 12.537 tỷ đồng, tăng 980 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, giá trị hàng tồn kho của BCG Land đạt 3.505 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm, chủ yếu bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án Malibu Hội An với giá trị 2.155 tỷ đồng và dự án Hoian d’Or với giá trị 1.055 tỷ đồng. Các khoản phải thu chiếm 51% tổng tài sản, đạt 6.458 tỷ đồng chủ yếu đến từ phải thu khách hàng từ hoạt động bàn giao, tạm ứng tiền thi công cho nhà thầu xây dựng và các hoạt động cho vay ngắn hạn, hợp tác kinh doanh.
Về phía nguồn vốn, tính đến cuối quý 3/2023, tổng nợ phải trả của BCG Land đạt 6.622 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn của BCG Land tăng 69% so với đầu năm lên mức 1.553 tỷ đồng. Khoản tiền này sẽ được ghi nhận là doanh thu khi BCG Land hoàn thành và bàn giao các sản phẩm bất động sản cho khách hàng. Số dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 3.173 tỷ đồng, chiếm 48% tổng nợ phải trả. BCG Land thể hiện khả năng quản lý và kiểm soát rủi ro khá tốt, tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu hiện đang ở mức 1,12 lần, đây là tỷ lệ đòn bẩy khá an toàn trong ngành bất động sản. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu đang ở mức khá thấp, chỉ 0,54 lần.
Trước khi lên sàn UPCoM, BCG Land đã gia hạn thành công lô trái phiếu trị giá 2.500 tỷ mang mã BCLCH2124001. Lô trái phiếu trên được BCG Land phát hành ngày 31/3/2021, kỳ hạn 36 tháng, ngày đáo hạn là ngày 31/3/2024. Sau khi gia hạn thành công, kỳ hạn trái phiếu đã được điều chỉnh thành 60 tháng, nghĩa là ngày đáo hạn mới của lô trái phiếu này sẽ là ngày 31/3/2026.
Cơ cấu tài chính đảm bảo, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản ở mức an toàn, không có áp lực trả nợ trái phiếu trong hơn 2 năm tới sẽ là tiền đề tốt để BCG Land mở rộng quy mô, hoàn thiện pháp lý dự án và gia tăng tốc độ phát triển. Với tổng quỹ đất hiện tại của BCG Land hơn 500 ha và kế hoạch phát triển quỹ đất 5 năm tới lên đến 5.823 ha, việc đưa BCG Land niêm yết trên sàn UPCoM thành công đánh dấu một cột mốc lớn trong lộ trình phát triển của BCG Land.