Phát biểu tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) Nguyễn Quý Trung cho biết, nhằm mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế được thuận lợi và tạo điều kiện triển khai công tác quản lý thuế được tinh gọn, giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính, Tổng cục Thuế đã và đang tập trung nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007
Ông Nguyễn Quý Trung thông tin, thời gian qua, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã tập trung chỉ đạo công tác nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để việc hoàn thiện cơ sở lý luận trong việc sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, vừa phù hợp với thông lệ quốc. Vì vậy, việc nghiên cứu chi tiết, cụ thể là rất cần thiết, từ đó hoàn thiện hồ sơ trình sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 10/2025 tới đây.
Thông qua hội thảo, ông Nguyễn Quý Trung đề nghị các công chức tham gia tập trung lắng nghe, nghiên cứu và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia thuế của Nhật Bản, từ đó có cơ sở để so sánh, đối chiếu những điểm khác biệt trong chính sách thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam và Nhật Bản về phạm vi, quy mô, đối tượng đến phương thức xác định cơ sở thuế.
Đồng thời, ông Nguyễn Quý Trung đề nghị các công chức thuế với vai trò là các chuyên gia trong ngành Thuế và trong lĩnh vực thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam tham dự hội thảo chủ động trao đổi với chuyên gia về ý nghĩa và các điểm khác biệt của chính sách thuế của hai nước để từ đó tham khảo, nghiên cứu những điểm khác biệt có xu hướng tích cực trong chính sách thuế của Nhật Bản. Trên cơ sở đó, cùng tìm giải pháp chính sách đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý thuế của Việt Nam.
Chia sẻ về chính sách thuế thu nhập cá nhân và quản lý người nộp thuế của Nhật Bản, chuyên gia Noguchi Daisuke cho biết, tại Nhật Bản, lĩnh vực thuế và chính sách pháp luật về thuế là thống nhất trên phạm vi cả nước. Nhưng căn cứ đặc điểm và nhu cầu chi tiêu ngân sách, thuế được phân loại thành thuế nhà nước và thuế địa phương.
Theo đó, trong thuế nhà nước, Nhật Bản có khoảng 10 loại doanh thu/thu nhập khác nhau và được xác định theo các cách khác nhau phụ thuộc vào năng lực, khả năng chi trả của người nộp thuế. Chính sách thuế thu nhập cá nhân có sự khác biệt so với Việt Nam.
“Mỗi chính sách đều sẽ có ưu và nhược điểm khác nhau, theo đó, thông qua hội thảo, mong rằng có thể chia sẻ những kinh nghiệm và những ưu điểm trong chính sách thuế của Nhật Bản đến các đồng nghiệp tại Cơ quan thuế Việt Nam, từ đó Cơ quan thuế Việt Nam sẽ nghiên cứu và đưa ra giải pháp quản lý phù hợp với thực tiễn của Việt Nam” - chuyên gia Noguchi Daisuke chia sẻ.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Cơ quan Thuế Nhật bản đã chia sẻ và trao đổi với các cán bộ, công chức Cơ quan Thuế Việt Nam về tổng quan hệ thống thuế của Nhật Bản, phương pháp tính thuế, hệ thống khấu trừ thuế tại nguồn, thủ tục hoàn thuế, nghiệp vụ hoàn thuế, hoạt động tuyên truyền hỗ trợ kê khai trong kỳ kê khai và việc cải tạo hệ thống cốt lõi chuyển đổi kỹ thuật số trong công tác quản lý thuế.