Cơ quan tố tụng ở Hà Nội nói về cải cách tư pháp giai đoạn mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đại diện lãnh đạo Toà án nhân dân TP Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội chia sẻ giải pháp cụ thể để thực hiện tốt hơn công tác chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp giai đoạn mới.

Ngay từ đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện tốt Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương và Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay; chú trọng xây dựng các cơ quan khối tư pháp theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.

Toà án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục quán triệt đầy đủ các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 27 trong giai đoạn mới, bằng cách tập trung vào việc cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng xét xử và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân. Toà án nhân dân TP Hà Nội đã chú trọng vào việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thẩm phán để họ có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức, đảm bảo công lý được thực thi một cách chính xác, công bằng.

Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội Đào Sỹ Hùng cho biết, khi phát hiện các bản án sai sót, hoặc có dấu hiệu chống lại khuynh hướng phương Tây hóa, hành chính hóa hay tác động chuyển hóa tư pháp, lãnh đạo Tòa án nhân dân TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng các bản án có sai sót, từ đó xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Nếu phát hiện sai sót do quá trình xét xử hoặc áp dụng pháp luật không đúng, các thẩm phán cần phải có giải trình rõ ràng và sửa chữa ngay các bản án, tránh để tình trạng oan sai xảy ra.

Trong giai đoạn mới, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội Đào Sỹ Hùng thông tin, mục tiêu, phương hướng công tác của Toà án nhân dân Hà Nội là nâng cao chất lượng xét xử bằng cách nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật văn bản pháp luật cho đội ngũ cán bộ. Rèn luyện kỹ năng tư duy pháp lý để cán bộ toà án nghiên cứu giải quyết các vụ án đúng luật, tránh sai sót do chủ quan.

"Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực thực hiện xây dựng nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp và công bằng, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Những mục tiêu này được thể hiện qua các bước cụ thể trong công tác quán triệt và triển khai của hệ thống tòa án, đặc biệt là trong việc nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, thẩm phán trong sạch, thanh liêm, chính trực", Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội Đào Sỹ Hùng nói.

Thẩm phán cao cấp, phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội Đào Sỹ Hùng trao đổi thông tin về nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.

Thẩm phán cao cấp, phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội Đào Sỹ Hùng trao đổi thông tin về nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho biết thêm, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng công tác tuyển dụng và đào tạo, lựa chọn những người có phẩm chất đạo đức tốt, có cam kết rõ ràng đối với công lý và quyền lợi công dân. Các cán bộ, thẩm phán phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, đồng thời phải có tinh thần trách nhiệm cao, không để bị chi phối bởi lợi ích cá nhân hay các yếu tố ngoại lai. Lợi ích quốc gia và quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân phải luôn được bảo vệ một cách tuyệt đối.

“Các thẩm phán cần nhận thức rõ rằng họ là những người bảo vệ công lý, công bằng xã hội. Quyết định của họ không chỉ ảnh hưởng đến các bên trong vụ án mà còn góp phần tạo ra một môi trường sống và làm việc pháp lý lành mạnh cho toàn xã hội. Chính vì vậy, trong từng phiên xét xử, các thẩm phán phải đảm bảo rằng quyết định của mình không chỉ đúng về mặt pháp lý mà còn công bằng và hợp lý đối với tất cả các bên liên quan”, Thẩm phán cao cấp, phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội Đào Sỹ Hùng nhấn mạnh.

Là cơ quan có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm. Trong nhiều năm, lãnh đạo, cán bộ, kiểm sát viên toàn ngành đều đặt mục tiêu thực hiện nhiệm vụ trọng tâm: “Chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ.

Trong những năm qua, công tác kháng nghị và kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Các kháng nghị, kiến nghị đã phát hiện đúng các vi phạm của cơ quan tiến hành tố tụng, chỉ ra những thiếu sót nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng, đồng thời viện dẫn đầy đủ căn cứ pháp lý và lập luận rõ ràng, chặt chẽ. Việc chỉ rõ những vi phạm pháp luật, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đã giúp nâng cao chất lượng của công tác kiểm sát và làm rõ những vấn đề bất cập trong công tác tư pháp.

Theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Dũng, công tác kháng nghị, kiến nghị đã đóng góp đáng kể vào việc chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, thiếu sót trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, đồng thời đảm bảo công lý được thực thi một cách nghiêm minh và công bằng.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Dũng cho biết, trước những yêu cầu của đổi mới của chiến lược cải cách tư pháp, Viện kiểm sát nhân TP Hà Nội nhận thức sâu sắc rằng để chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm luôn phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng.

Xác định giai đoạn xét xử là giai đoạn then chốt - kết quả cuối cùng của các khâu từ thu thập tài liệu chứng cứ đến kiểm sát điều tra, Viện kiểm sát nhân TP Hà Nội yêu cầu cán bộ, sát viên khi tham gia xét xử xây dựng các hồ sơ tài liệu chứng cứ đảm bảo cho việc tranh tụng tại phiên tòa; gắn trách nhiệm của kiểm sát viên đối với quá trình xét xử. Đồng thời, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội mở rộng yêu cầu đối với các kiểm sát viên khi tham gia tranh tụng.

"Chúng tôi hết sức lưu ý các kiểm sát viên, tất cả việc đấu tranh công khai tại phiên tòa, việc tranh tụng với luật sư để đảm bảo hành vi vi phạm được mổ xẻ công khai, giúp cho Hội đồng xét xử (HĐXX) ban hành được bản án đúng người, đúng tội và đúng pháp luật", ông Dũng chia sẻ.

Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội họp triển khai nhiệm vụ, báo cáo, tham mưu giải quyết các vụ án phức tạp.

Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội họp triển khai nhiệm vụ, báo cáo, tham mưu giải quyết các vụ án phức tạp.

Cũng theo phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, tại phiên tòa xét xử, chất lượng của hoạt động xét xử có tính chất quyết định đến việc giải quyết vụ án, một người có phạm tội hay không phạm tội, việc truy tố có căn cứ, có phù hợp hay không... Nhận thức điều đó, thời gian qua VKSND hai cấp TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, hướng tới tạo sự chuyển biến về cả chất và lượng trong tranh tụng tại phiên tòa, nhằm đảm bảo tính công bằng, dân chủ giữa người tham gia tố tụng với Viện Kiểm sát; đồng thời là căn cứ để xác định sự thật khách quan của vụ án, là cơ sở để HĐXX đưa ra bản án đúng đắn, khách quan, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Sự chuyển biến trong hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên VKSND hai cấp được thể hiện rõ nét nhất là ngày càng nhiều phiên tòa hình sự được tổ chức dưới hình thức rút kinh nghiệm trực tuyến trên tinh thần tranh luận dân chủ, bình đẳng.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Văn Dũng cho rằng: Cũng như các ngành khác, vấn đề con người được đặt lên làm nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình hoạt động của ngành kiểm sát. Cần xây dựng những giải pháp để hỗ trợ, bổ sung cho cán bộ để nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, kiểm sát viên, đủ đáp ứng yêu cầu những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.

Đọc thêm