"Cơ quan tư pháp làm sai thì ai bảo vệ được công lý?"

(PLO) - Tuy số trường hợp oan, sai không nhiều nhưng hậu quả gây ra là hệ trọng gây bức xúc trong dư luận.
Đó là nhận định trong Báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” được đưa ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng qua 10/4.
Thực nghiệm việc làm giả chữ ký trong vụ án oan Vũ Ngọc Dương tại Hà Nội
Thực nghiệm việc làm giả chữ ký trong vụ án oan
Vũ Ngọc Dương tại Hà Nội
Oan vì… cơ quan tố tụng chủ quan
Theo báo cáo, từ ngày 01/10/2011 đến 30/9/2014, số vụ làm oan người vô tội không nhiều, còn có những trường hợp có dấu hiệu làm oan người vô tội trong các trường hợp đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, do miễn trách nhiệm hình sự như vụ Ban quản lý chợ Đồng Xoài (Bình Phước), Trần Thị Bích Liên (chợ Bảo Lộc, Lâm Đồng). 
Một số địa phương tuy số lượng án không nhiều nhưng lại để xảy ra một số vụ làm oan nghiêm trọng như Sóc Trăng, Bình Phước, Bình Thuận, Bắc Giang. 
Qua giám sát cho thấy, hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây được phát hiện đều đã được khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố. Trong số những vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm, có những vụ án đã xảy ra từ những năm trước. 
Đến nay, có vụ đã được giám đốc thẩm, quá trình điều tra, truy tố, xét xử lại cơ bản đã khắc phục được những thiếu sót, vi phạm về thủ tục tố tụng. Tuy nhiên cũng có trường hợp bị oan chưa được xử lý kịp thời.
Theo Đoàn giám sát, loại án thường dẫn đến oan chủ yếu là án giết người, cướp tài sản hoặc hiếp dâm, giết người không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của một số cơ quan tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội nên đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn có những sai phạm chủ yếu dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm như việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm còn bất cập, nhiều trường hợp chưa được giải quyết và số vụ tạm đình chỉ điều tra còn cao, tiềm ẩn việc bỏ lọt tội phạm. 
Việc truy tố, xét xử còn có những trường hợp sai tội danh, sai khung hình phạt; có nơi toà án áp dụng hình phạt quá nặng, nhất thời phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; ngược lại, có những trường hợp lại tuyên hình phạt quá nhẹ, cho bị cáo hưởng án treo không đúng pháp luật, nhất là tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng. 
Nhận định này khiến bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội băn khoăn “sao các tội phạm về tham nhũng luôn được xử nhẹ, thậm chí được hưởng án treo không đúng pháp luật?” và đề nghị phải có giải pháp khắc phục. 
Bên cạnh những sai lầm, vi phạm nghiêm trọng dẫn đến oan, sai, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử còn khá nhiều vi phạm khác dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo về tư pháp diễn biến phức tạp, có những trường hợp gay gắt, kéo dài. 
Xem xét cách chức lãnh đạo nếu  để oan, sai nhiều
Theo ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, oan sai trong tố tụng hình sự “lỗi là do những người thi hành công vụ, trong khi đó, việc xử lý vi phạm trong tố tụng gây oan, sai, bức cung, nhục hình gây chết người một số nơi, có lúc chưa nghiêm, có hiện tượng bao che, dung túng” nên cần phải làm rõ “có hiện tượng bao che, vì thành tích mà cố gói gọn lại, không xử lý nghiêm, dẫn đến oan sai không?”. 
Với nhận định “dù là tỷ lệ số vụ vi phạm trong tố tụng không lớn lắm nhưng trách nhiệm của Nhà nước, của luật pháp phải bảo vệ tính mạng và cuộc sống của mỗi người chứ không phải vì ít người mà coi nhẹ”, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, sau giám sát, quan trọng là phải yêu cầu giải quyết dứt điểm những vụ oan, sai, đặc biệt là những vụ chưa được giải quyết. 
Cùng với đó, phải nghiên cứu kỹ giai đoạn tiền tố tụng để khắc phục những yếu kém dẫn đến những vụ bắt, tạm giữ người trái pháp luật.
Đồng thời, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, oan, sai có nguyên nhân từ việc triển khai, thực hiện các thủ tục tố tụng nên để khắc phục tình trạng này, người lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thực hiện hoạt động tố tụng cần tăng cường công tác kiểm tra, không cho phép oan, sai. Nên với những địa phương có tỷ lệ oan, sai cao thì có phải cách chức lãnh đạo? 
Sau giám sát, các cơ quan tố tụng phải đưa ra những vấn đề phòng ngừa về oan, sai và phải nghiêm minh hơn nữa đối với những cán bộ để xảy ra vi phạm. Nếu chúng ta làm cương quyết thì sẽ giảm được oan, sai.
Nhận định tình hình oan, sai ảnh hưởng đến mục tiêu phòng, chống tham nhũng như bỏ lọt tội phạm tham nhũng, áp dụng hình phạt quá nhẹ, cho hưởng án treo không đúng pháp luật…, ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội yêu cầu phải xem xét kỹ về trách nhiệm xử lý trong việc để oan, sai với  những giải pháp cụ thể cho từng cơ quan tư pháp trong thời gian tới từ kết quả giám sát này. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Làm oan, sai là vi phạm Hiến pháp, xâm phạm quyền con người, làm méo mó công lý nên không thể để oan sai đối với người dân, chứ không chỉ giảm. Quyền con người phải được bảo vệ, tôn trọng, nhưng nếu cơ quan tư pháp làm sai thì ai bảo vệ được công lý. Vì vậy, sau giám sát phải chỉ rõ trách nhiệm ở từng khâu tố tụng gây oan, sai, không thể qui chụp chung và phải xử lý nghiêm túc sai phạm”. 

Đọc thêm