Có số liệu thực chứng khi đề xuất tăng mức xử phạt hành chính

(PLVN) - Ngày 9/4, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã làm việc với Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh chỉ đạo về một số nội dung xin ý kiến. (Ảnh: PV)
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh chỉ đạo về một số nội dung xin ý kiến. (Ảnh: PV)

Báo cáo một số nội dung xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, trong đó có vấn đề về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý XLVPHC Hồ Quang Huy cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, một số Bộ, ngành đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa trong một số lĩnh vực so với Luật hiện hành, ví dụ: Bộ Công an đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; khoáng sản; môi trường; Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực khoáng sản…

Lý do là một số quy định về mức phạt tiền tối đa đã lạc hậu so với thực tiễn phát triển, sau nhiều năm, thu nhập của người dân, giá trị hàng hóa và mức độ vi phạm đã tăng lên, khiến các mức phạt hiện tại không còn đủ sức răn đe làm cho nhiều mức phạt tiền tối đa hiện nay (được xây dựng từ giai đoạn trước) trở nên quá thấp, không phản ánh đúng tính chất, mức độ vi phạm trong tình hình mới, cần thiết phải điều chỉnh các quy định về mức phạt tiền cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Luật đã sửa đổi căn bản cách tiếp cận quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo hướng: Bãi bỏ các quy định chi tiết từ Điều 38 đến Điều 51; Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định chi tiết về chức danh cụ thể và thẩm quyền xử phạt, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng chức danh. Trường hợp phát sinh cơ quan, đơn vị mới quản lý các chức danh có thẩm quyền xử phạt chưa được quy định trong Luật thì Chính phủ được quy định thẩm quyền xử phạt sau khi có ý kiến đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Theo Cục trưởng Hồ Quang Huy, Luật XLVPHC hiện hành quy định hệ thống các chức danh thuộc các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra bao gồm cơ quan thanh tra (Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Sở, Chánh Thanh tra Cục thuộc Bộ, Chánh Thanh tra tỉnh) và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, theo Kết luận số 134-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và dự thảo Luật Thanh tra thì hệ thống các cơ quan thanh tra đã bị thu hẹp rất nhiều (kết thúc hoạt động của Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở; các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không tổ chức thanh tra chuyên ngành mà thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành và chức năng khác theo quy định của pháp luật), tác động rất lớn đến hiệu lực, hiệu quả của việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm hành chính.

Để xử lý vấn đề này, ngoài các chức danh thuộc các cơ quan, lực lượng được quy định trên cơ sở Luật XLVPHC, Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý XLVPHC đề xuất và xin ý kiến lãnh đạo Bộ về việc bổ sung nhóm cơ quan, lực lượng, chức danh có thẩm quyền xử phạt (theo phân loại cấp và lĩnh vực quản lý) tại dự thảo Luật…

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh yêu cầu việc tăng mức phạt tiền tối đa phải lý giải có căn cứ, có số liệu thực chứng, chẳng hạn dựa trên mức thu nhập, lạm phát, mức lương cơ sở. Việc bổ sung một số lĩnh vực xử phạt phải thực hiện theo yêu cầu của Đảng, phù hợp với thực tiễn, đã được luật chuyên ngành quy định. Ngoài ra, liên quan đến hệ thống cơ quan thanh tra, Bộ trưởng nhấn mạnh, sẽ không có thanh tra Bộ, những đơn vị thực hiện chức năng thanh tra sẽ tiến hành kiểm tra chuyên ngành nên cần nghiên cứu mô hình để bảo đảm triển khai chức năng, nhiệm vụ về kiểm tra của các Bộ, ngành.

Đọc thêm