Cơ sở tạm giữ, tạm giam được độc lập với cơ quan điều tra

(PLO) - Lo lắng sự phụ thuộc, ảnh hưởng trong hoạt động tạm giam, tạm giữ sẽ dẫn tới thiếu minh bạch, công bằng trong quá trình điều tra, nhiều ĐBQH đã đề nghị tách các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an độc lập với cơ quan điều tra. Quan điểm này đã được thống nhất trong Luật Tạm giữ tạm giam (TGTG) vừa được thông qua. 
ĐBQH bấm nút thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII
Theo Luật TGTG vừa được QH thông qua trong phiên họp chiều nay, 25/11,  Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam được bố trí như sau: 
Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân bao gồm: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam; Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân bao gồm: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam; Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam đối với trại tạm giam, nhà tạm giữ khu vực thuộc phạm vi quản lý; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý tạm giữ đối với Buồng tạm giữ của Đồn Biên phòng.
Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam bao gồm: Trại tạm giam thuộc Bộ Công an;  Trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng; Trại tạm giam Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trại tạm giam thuộc quân khu và tương đương; Nhà tạm giữ Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Nhà tạm giữ cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân; Buồng tạm giữ của Đồn biên phòng ở biên giới, hải đảo xa trung tâm hành chính cấp huyện.
Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập, giải thể, quy mô, thiết kế cơ sở giam giữ, ban hành nội quy của cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, giải thể, quy mô, thiết kế cơ sở giam giữ, ban hành nội quy của cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân.
Theo UBTVQH, tại các phiên thảo luận về dự thảo luật này, có ý kiến ĐBQH đề nghị chuyển giao các Trại tạm giam thuộc Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh - Bộ Công an về Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý, bảo đảm tính độc lập của hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam với hoạt động điều tra. Ý kiến khác đề nghị vẫn giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát trực tiếp quản lý. 
Do ý kiến của các vị ĐBQH còn khác nhau, UBTVQH đã gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH. Tổng số phiếu nhận được: 433 phiếu, có 425 phiếu hợp lệ. Trong đó 326 phiếu đề nghị giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an quản lý, chiếm 76,70% số phiếu hợp lệ, chiếm 65,99% tổng số Đại biểu Quốc hội; có 97 phiếu đề nghị giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát trực tiếp quản lý, chiếm 22,82% số phiếu hợp lệ, chiếm 19,63% tổng số Đại biểu Quốc hội.
Theo quan điểm của đa số các thành viên UBTVQH nhận thấy, Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là cơ quan có nhiệm vụ giúp Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về công tác tạm giữ, tạm giam trên phạm vi cả nước.
Riêng đối với 04 Trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay đang do Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an quản lý.
Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng tách các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an để tổ chức độc lập với cơ quan điều tra. Các cơ sở giam giữ này được và giao cho 1 Phó Tổng cục trưởng không phải là thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, khám phá tội phạm, nhất là những tội phạm về an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, vừa đảm bảo độc lập của cơ sở giam giữ với các đơn vị điều tra của Bộ. 
Có ý kiến ĐBQH đề nghị giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay về Bộ Tư pháp quản lý để đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, đồng thời cũng là một kênh giám sát chống bức cung, dùng nhục hình.
UBTVQH cho rằng, công tác tạm giữ, tạm giam bên cạnh việc bảo đảm quyền con người theo quy định của Hiến pháp 2013 thì còn phải phúc đáp yêu cầu phục vụ tốt cho quá trình điều tra khám phá tội phạm do đó giữ mô hình quản lý như Dự thảo Luật đã được chỉnh lý là phù hợp. 
Có ý kiến ĐBQH cho rằng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như cơ quan kiểm lâm, hải quan, kiểm ngư…có thẩm quyền tạm giữ, tạm giam, nên cần bổ sung buồng tạm giữ cho các cơ quan này.
UBTVQH nhận thấy, phạm vi hoạt động của hầu hết các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra không quá xa nhà tạm giữ, trại tạm giam công an cấp huyện, cấp tỉnh nên đối tượng tạm giữ, tạm giam của các cơ quan này được thực hiện tại cơ sở giam giữ chung, tránh tốn kém, lãng phí không cần thiết. Riêng Bộ đội biên phòng ở những nơi vùng sâu, vùng xa thì có tổ chức buồng tạm giữ riêng để phúc đáp yêu cầu của thực tiễn và đã được quy định cụ thể trong luật.

Đọc thêm