Có thể đưa vào hương ước biện pháp phạt tiền?

(PLO) - Sau 17 năm thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư đã đạt nhiều kết quả. 
Có thể đưa vào hương ước biện pháp phạt tiền?

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong những năm vừa qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Với nhiều quy định cụ thể, rõ ràng, văn bản được ban hành sẽ tạo thuận lợi cho việc phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong đời sống.

Hiện nay, cả nước có 109.698/125.083 thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, khu dân cư đã xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước (chiếm tỷ lệ 87,7%). Qua tổng kết cho thấy, hương ước, quy ước của thôn, làng trong thời gian qua đã đem lại những kết quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở.

Tuy nhiên, một trong những vướng mắc, bất cập trong thực hiện hương ước, quy ước là các quy định hiện hành công nhận có các hình thức chế tài trong hương ước, quy ước và chủ yếu là các biện pháp mang tính giáo dục, thuyết phục. Đồng thời, quy định nguyên tắc không được đặt ra các biện pháp xử phạt nặng nề đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng hương ước, quy ước. Tuy nhiên, những quy định này còn chung chung, khó hiểu, đã làm nảy sinh một số bất cập như: Rất khó, thiếu cơ sở để xác định thế nào là “biện pháp xử phạt nặng nề”; có được hiểu theo hướng trong hương ước, quy ước được quy định phạt tiền, phạt vật chất hay được xử phạt cả đối với hành vi mà pháp luật đã có quy định biện pháp xử lý…

Trên thực tế, có nhiều bản hương ước, quy ước đã quy định biện pháp phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính đã được pháp luật quy định, thậm chí còn quy định mức phạt cao hơn so với quy định pháp luật đối với một hành vi tương ứng. 

Do đó, dự kiến dự thảo Quyết định nêu trên sẽ tiếp tục công nhận hương ước, quy ước có thể quy định các biện pháp chế tài nhằm giáo dục, thuyết phục, vận động và bảo đảm tôn trọng, thực hiện hương ước, quy ước. Tuy nhiên, hương ước, quy ước không được quy định chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm đã được pháp luật quy định. Có thể cho phép đưa vào hương ước, quy ước các biện pháp xử lý, phạt tiền, phạt vật chất đối với hành vi vi phạm mà chưa có quy định pháp luật nhưng không được vượt quá mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định. 

Riêng về thẩm quyền phê duyệt hương ước, quy ước, theo quy định của Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 thì UBND cấp huyện “công nhận” hương ước, quy ước, trong khi đó các văn bản pháp luật khác lại quy định là “phê duyệt” hương ước, quy ước. Quy định thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước còn mâu thuẫn, chưa thống nhất nên gây một số khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong xây dựng, phê duyệt hương ước, quy ước, nhất là đối với địa bàn có nhiều tổ dân phố.

Tổng kết thực tiễn, một số địa phương kiến nghị giao ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt hương ước, quy ước vì cấp xã nắm rõ điều kiện thực tế, đặc điểm văn hóa, phong tục, tập quán của thôn, tổ dân phố trên địa bàn; mặt khác còn để nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của cấp xã trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; rút ngắn thời gian, đơn giản hóa việc soạn thảo và bảo đảm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, thực hiện hương ước, quy ước kịp thời hơn.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định thống nhất thẩm quyền phê duyệt hương ước, quy ước theo hướng kế thừa quy định thẩm quyền phê duyệt hương ước, quy ước thuộc về UBND cấp huyện. Quy định này bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 và gắn với trách nhiệm thẩm định của Phòng Tư pháp về tính hợp pháp, thống nhất của hương ước, quy ước; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

Đồng thời, với việc xác định nguyên tắc xây dựng hương ước, quy ước tôn trọng sự tự nguyện và thỏa thuận của cộng đồng dân cư sẽ hạn chế việc xây dựng hương ước, quy ước hàng loạt, chỉ cộng đồng dân cư nào có nhu cầu mới xây dựng hương ước, quy ước sẽ khắc phục tình trạng quá tải cho ủy ban nhân dân cấp huyện trong phê duyệt hương ước, quy ước.

Đọc thêm