Có thể tổ chức phiên chất vấn dựa trên kiến nghị của cử tri

(PLO) - Hiện phiên chất vấn được tiến hành khi có yêu cầu chất vấn của Đại biểu Quốc hội, nhưng Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần nghiên cứu cả trường hợp khi cử tri gửi kiến nghị đến Quốc hội thì đó cũng là căn cứ để tổ chức phiên chất vấn. 
Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH phát biểu tại phiên họp
Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH phát biểu tại phiên họp
Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng qua (11/8) thảo luận về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Hoạt động giám sát (HĐGS) của Quốc hội (QH) và Hội đồng nhân dân (HĐND). 
Chất vấn phải “làm sâu vấn đề”
Báo cáo của Ủy ban Pháp luật của QH cho biết, một số ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá, quy định về chất vấn và trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND, phiên họp UBTVQH, phiên họp Thường trực HĐND trong Dự thảo Luật “chưa thể hiện đúng quy định của Hiến pháp”. 
Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH cho rằng, quy định về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp QH trong Dự thảo Luật “hẹp hơn so với những quy định trong Hiến pháp 2013”. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị rà soát lại quy trình chất vấn và trả lời chất vấn để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp.
Có ý kiến cho rằng việc lựa chọn nhóm vấn đề để đưa ra chất vấn trước QH khó bảo đảm sự khách quan, khó phản ánh hết ý chí của ĐBQH và của cử tri. Ông Thân Đức Nam – Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH nhận xét, hiện sau chất vấn, người dân cũng như ĐBQH không biết các vấn đề chất vấn được giải quyết như thế nào, nên “chất vấn tại hội trường cần chuyển sang hình thức đối thoại, để “làm sâu vấn đề”, giúp người được chất vấn có thể giải quyết các công việc cụ thể, nếu cứ dàn trải thì không giải quyết được các vấn đề phát sinh thực tế” – ông Nam đề nghị.
Hiện phiên chất vấn được tiến hành khi có yêu cầu chất vấn của ĐBQH nhưng theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, Dự thảo Luật cần nghiên cứu cả trường hợp khi cử tri gửi kiến nghị đến QH thì đó cũng là căn cứ để tổ chức phiên chất vấn. 
Nhưng ông Nguyễn Văn Hoạt – Phó Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội không đồng tình lấy kiến nghị của cử tri là căn cứ tổ chức phiên chất vấn vì lo ngại khó tổ chức được phiên chất vấn đảm bảo tính khoa học. Theo ông, chỉ cần ĐB gửi câu hỏi để UBTVQH và Thường trực HĐND tổng hợp, báo và lựa chọn nhóm vấn đề yêu cầu chất vấn là phù hợp.
Không được ủy quyền trả lời chất vấn
Theo ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện hoạt động của Quốc hội, HĐND ở nước ta và phù hợp với quy định tại Điều 80 của Hiến pháp, Dự thảo Luật đã quy định về việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn theo hướng UBTVQH, Thường trực HĐND xem xét trên cơ sở cân nhắc một cách toàn diện các vấn đề có liên quan. 
Đồng thời đã sửa đổi, bổ sung quy trình chất vấn và trả lời chất vấn cụ thể hơn để phù hợp với quy định của Hiến pháp, nếu đại biểu chưa đồng ý với việc trả lời chất vấn thì tiếp tục chất vấn lại về nội dung đã chất vấn; người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn mà không được ủy quyền cho người khác trả lời thay. 
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện Quốc hội và HĐND hoạt động không thường xuyên, nhiều ý kiến nhất trí với Dự thảo quy định theo hướng người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời các câu hỏi chất vấn. Đối với vấn đề chưa thể trả lời trực tiếp ngay tại phiên họp thì cho trả lời bằng văn bản. 
Ngoài ra, trong quá trình thảo luận về Dự thảo Luật này, còn có ĐBQH đề nghị điều chỉnh các nội dung người đã được trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND hoặc đã gửi văn bản trả lời chất vấn cho đại biểu HĐND có trách nhiệm báo cáo với HĐND bằng văn bản về việc thực hiện những vấn đề đã hứa, tiếp thu, ghi nhận tại các kỳ họp trước, bổ sung quy định việc báo cáo được thực hiện cho đến khi hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ, trách nhiệm quy định trong các nghị quyết để đảm bảo theo dõi, giám sát một cách có hệ thống toàn diện, hiệu lực và hiệu quả. 
Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định của Dự thảo Luật về việc giám sát các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát. Nhưng Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị qui định “giám sát các văn bản của cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát”. 
Theo bà Tòng Thị Phóng – Phó Chủ tịch Quốc hội, chỉ nên giám sát văn bản qui phạm pháp luật. Trong quá trình giám sát, đoàn giám sát có quyền yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan để kết luận về văn bản đó. “Nếu giám sát tất cả các văn bản thì khó” – Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ. 
Quan điểm này cũng được ông Uông Chu  Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội tán thành vì “nếu ngày nào cũng gửi văn bản để giám sát thì không thể làm hết được”. 
Có Luật là phải trưng cầu được ý dân
Chiều 11/8, cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân (TCYD), UBTVQH đặc biệt quan tâm đến những vấn đề QH quyết định TCYD vì đó là điều kiện đảm bảo tính khả thi của Dự án Luật này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, TCYD là vấn đề chính trị xã hội quan trọng nên phải cân nhắc thận trọng, phải tổ chức làm tốt để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân nên “qui định là phải để làm được, không thể ban hành Luật rồi mà các chủ thể được giao quyền đề nghị TCYD không thực hiện quyền thì tốt nhất cứ để QH bàn và quyết định”. 
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề xuất cụ thể hơn, Dự thảo phải qui định rõ đó là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, quan hệ lớn đến sự tồn vong, bền vững của đất nước, nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ nhân dân và những vấn đề kinh tế - xã hội ảnh hưởng lớn, trên diện rộng tới quốc kế dân sinh mà “QH “không dám” quyết nên TCYD” hoặc các chủ thể được giao quyền đề nghị TCYD có thể căn cứ để trình đề nghị TCYD…

Đọc thêm