Xúc động hành trình dấu chân người cộng sản
Năm 1925 của thế kỷ trước, xã hội Việt Nam lúc đó nằm trong ách thống trị “một cổ hai tròng” của thực dân Pháp và bè lũ phong kiến. Dân tình đói khổ rên xiết lầm than. Xã hội lúc đó tình hình đen tối chưa có đường ra. Tất cả các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân nổi dậy đều nằm trong biển máu, bởi không có một đường lối lãnh đạo đúng đắn.
Cũng như bao thanh niên yêu nước lúc đó, từ quê nghèo Hà Tĩnh, cuối năm 1925, Hà Huy Tập gia nhập Hội Phục Việt - một tổ chức yêu nước lúc bấy giờ. Tại đây, ông đã tuyên truyền vận động đồng nghiệp đồng loạt ký vào văn bản và gửi Toàn quyền Đông Dương yêu cầu thực dân Pháp xóa án và thả cụ Phan Bội Châu.
Tháng 3 năm 1926, nhà yêu nước Phan Châu Trinh qua đời. Để tuyên truyền tinh thần yêu nước và chí khí đấu tranh cách mạng của cụ Trinh, Hà Huy Tập đã huy động hàng nghìn nhân dân lao động ở Vinh (Nghệ An) đến chùa Diệc dự lễ truy điệu cụ Trinh với mục đích kết nối lòng yêu nước. Bất chấp sự đe dọa của bọn quan lại và cảnh sát, ông đứng lên diễn thuyết ca ngợi tinh thần yêu nước thương nòi của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh và kêu gọi đồng bào đoàn kết đấu tranh chống lại thực dân Pháp.
Ngôi nhà tranh của gia đình cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa (xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) |
Sau thời gian hoạt động cách mạng ở Vinh, tháng 3/1927, ông vào Sài Gòn Gia Định và xin vào dạy học tại Trường Tiểu học tư thục mang tên An Nam Học Đường. Với tư chất của một nhà cách mạng, ông đã kêu gọi học sinh tổ chức nhiều cuộc bãi khóa chống lại chế độ giáo dục phản động của thực dân Pháp. Để vận động học sinh đứng dậy bãi khóa đấu tranh, ông đã thay đổi liên tục chỗ ở và bí mật hoạt động.
Tháng 6/1928, Hiệu trưởng An Nam Học Đường có quyết định đình chỉ việc giảng dạy của ông với lý do “kích động học sinh nhiều lần bãi khóa”. Bị đuổi việc, ông vào làm việc ở một hiệu buôn vừa kiếm sống, vừa hoạt động cách mạng. Tháng 8/1928, ông rời khỏi hiệu buôn ở Sài Gòn vượt đến Bà Rịa xin vào làm việc ở đồn điền trồng mía Phú Mỹ. Trong thời gian này, ông đã vận động thành lập được chi bộ Đảng trong công nhân do ông làm Bí thư.
Tháng 12/1928, ông được cử sang Trung Quốc tham gia “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”. Đến tháng 7 năm 1929, ông sang Liên Xô học tại Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva với bí danh là Xinhitrơkin. Cuối năm 1929, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản liên bang (bôn-sê-vích). Trong thời gian này ông đã soạn thảo “Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương” và “Sơ thảo lịch sử phong trào Cộng sản ở Đông Dương”.
Tháng 5/1932, ông tốt nghiệp khóa học, sau đó rời Mátxcơva qua Paris (Pháp) để trở về Việt Nam, nhưng trên đường về ông bị Pháp bắt và bị trục xuất sang Bỉ. Để về Việt Nam, ông trở lại Liên Xô để tìm thời cơ sang Pháp rồi quay về Việt Nam tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong suốt thời gian này, ông tìm gặp những người làm việc trong Quốc tế Cộng sản để bày tỏ nguyện vọng của mình muốn được trở về Việt Nam. Trước sự giúp đỡ của những người yêu nước trong Quốc tế Cộng sản, đầu năm 1933, ông rời cảng Vlađivôxtốc của Liên Xô về phương Đông tiếp tục hoạt động.
Tháng 4/1933, Hà Huy Tập về đến Ma Cao (Trung Quốc). Tại đây, ông được Quốc tế Cộng sản chỉ định tham gia Ban Chỉ huy Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 3/1935, tại Đại hội I của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Ma Cao, Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư, Hà Huy Tập được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử vào cương vị Thư ký Ban Chỉ huy Hải ngoại.
Ngày 26/7/1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập triệu tập tại Thượng Hải (Trung Quốc), nhận định: “Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng lúc này là đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, tay sai của chủ nghĩa phát xít, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình”.
Tại hội nghị này đã bàn chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi bao gồm các đảng phái, các giai cấp, các đoàn thể chính trị, các dân tộc ở Đông Dương để đấu tranh giải phóng Đông Dương thoát khỏi ách đế quốc và phong kiến.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (ngày 26/7/1936), Hà Huy Tập được bầu giữ chức Tổng Bí thư của Đảng. Sau đó, ông về nước để lập lại Trung ương cấp ủy, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân ta. Cơ quan của Trung ương Đảng bí mật từ Trung Quốc chuyển về Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Gia Định (nay thuộc TP Hồ Chí Minh).
Ngày 1/5/1938, ông bị bắt do có chỉ điểm trong khi tham dự ngày Quốc tế Lao động tại Sài Gòn. Ông bị trục xuất khỏi Nam kỳ và bị đưa về quê chịu quản thúc. Đến ngày 30/3/1940, ông bị bắt lại và đưa vào Nam kỳ để xét xử. Ngày 25/10 năm đó, ông bị thực dân Pháp xử tuyên án 5 năm tù giam. Ngày 25/3/1941, chính quyền Pháp đổi bản án của ông thành án tử hình vì “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ”. Trước tòa, ông tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động”.
Ngày 28/8/1941, ông bị chính quyền Pháp xử bắn cùng với một số nhà cách mạng khác tại Sở Rác (nay là Bệnh viện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) như: Nguyễn Hữu Tiến, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai. Bức thư cuối cùng gửi cho gia đình, ông viết: “Nếu tôi phải bị chết thì gia đình và bạn hữu chớ xem tôi như là người chết mà phải buồn; trái lại, nên xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi”.
Một góc khu di tích tưởng niệm cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. |
Học ở ông đức hy sinh quên mình vì Tổ quốc
Đồng chí Hà Huy Tập (1906-1941), sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Từ khi Hà Huy Tập trở thành người cộng sản đến lúc hy sinh diễn ra trong vòng 16 năm. 16 năm ấy, ông chưa làm đổi thay diện mạo của Việt Nam lúc bấy giờ, song ông đã làm cho quân thù khiếp sợ về chí khí kiên cường của nhà yêu nước.
Ông đã là ngọn cờ hiệu triệu các tầng lớp nhân dân, sinh viên, tri thức đứng lên đấu tranh cách mạng vì quyền sống con người. Từ người yêu nước trở thành nhà cách mạng, từ người cộng sản trở thành Tổng Bí thư của Đảng, Hà Huy Tập đã sống một cuộc đời cách mạng sôi nổi và vinh quang; ông là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân ta noi theo.
Lịch sử ghi nhớ đồng chí như một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một người lãnh đạo tận tụy, năng động, một cây bút lý luận xuất sắc của Đảng những năm 30 của thế kỷ XX; ông đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho lý tưởng cộng sản.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, những người cộng sản Việt Nam không khỏi xúc động khi xem lại chặng đường mà ông đã kinh qua trên hành trình tranh đấu vì quyền sống con người, vì Tổ quốc hòa bình. Còn thế hệ trẻ Việt hôm nay vẫn ngẩng cao đầu tự hào vì lịch sử tiền nhân, có một Tổng Bí thư kiên cường, tận tụy.
Ông đã đi xa 75 năm, nhưng tinh thần đấu tranh của ông vẫn sống mãi trong triệu triệu trái tim người dân đất Việt. Thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân, bộ đội sinh viên ở thế kỷ XXI học ở ông đức hy sinh quên mình vì Tổ quốc.