"Cởi" chính sách để "sống chung" với biến động giá vàng

Muốn “sống chung” với giá vàng, chính sách phải cởi mở và có tính thị trường, không nên có khoảng cách quá xa giữa ý chí và người quản lý thị trường...

Sáng qua, giá vàng trong nước đã bật tăng trở lại gần 300.000 đồng mỗi lượng. Từ đầu giờ sáng, các công ty vàng liên tục đẩy giá tăng, tăng tương ứng 270.000 đồng/lượng và 280.000 đồng/lượng so với giá cuối giờ chiều 20/7.

Vàng miếng tăng giá nhanh sáng nay, ngoài yếu tố giá quốc tế, còn do tỷ giá USD/VNĐ tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh từ chiều qua.

Tuy vậy, tỷ giá và giá vàng thế giới cùng biến động nhanh, khiến giá vàng trong nước chưa thể thay đổi theo kịp. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới vì thế lại bị kéo giãn, với giá vàng trong nước sáng qua có lúc thấp hơn thế giới khoảng 400.000 đồng/lượng. Hôm qua, đã có lúc giá vàng trong nước khá cân bằng với giá thế giới.

vangmieng
Vàng miếng tăng giá nhanh sáng nay.

Tại thị trường châu Á sáng qua, giá vàng giảm nhẹ, dao động quanh mức 1.600USD/oz. Lúc 9 giờ Việt Nam, vàng giao ngay có giá 1.601,2USD/oz, giảm 1,7USD/oz so với giá đóng cửa tại New York.

Trong nước, Công ty Sacombank-SBJ khuyến nghị mua vàng ở mức giá 38,5 triệu đồng/lượng cho mục tiêu nắm giữ trong trung hạn.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến thận trọng về nguy cơ điều chỉnh giảm của giá vàng trong ngắn hạn, trong trường hợp Hoa Kỳ và châu Âu đạt được bước tiến về vấn đề trần nợ và khủng hoảng.

Có thể thấy, giá vàng thế giới đang được cộng hưởng từ nhiều yếu tố có thể tăng giá như giá dầu, USD, niềm tin nhà đầu tư…, nhất là tình trạng Hoa Kỳ hiện đang nợ nần chồng chất, với khoản nợ khổng lồ hơn 14.300 tỷ USD.

Theo Th.s Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng Ngân hàng Á Châu (ACB), đất nước đã mở cửa hội nhập, chúng ta phải chấp nhận sự biến động của giá vàng thế giới chắc chắn sẽ tác động đến thị trường trong nước. Cụ thể, giá vàng tăng sẽ kéo theo tất cả nguyên vật liệu, chi phí trong ngành vàng bạc đá quý phải tăng.

“Vì vậy, phải có một giải pháp dự phòng thích hợp để làm sao “sống chung bền vững” với biến động của giá vàng. Tuy nhiên, muốn “sống chung” với giá vàng, chính sách phải cởi mở và có tính thị trường, không nên có khoảng cách quá xa giữa ý chí và người quản lý thị trường”, ông Hải cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc PNJ, giá vàng trong nước những ngày qua tăng do chịu sự chi phối của giá vàng thế giới, cùng với việc các tổ chức kinh doanh vàng nắm giữ khối lượng vàng lớn chưa tham gia thị trường, nên không có dấu hiệu bất thường của hoạt động đầu cơ làm giá như trước đây.

Đại diện của Ngân hàng Eximbank thì nhận định, sau khi gom vàng đẩy giá lên mức đỉnh, giới đầu cơ vàng cũng như các quỹ đầu tư vàng lớn trên thế giới có thể bán chốt lãi làm cho giá vàng thế giới quay đầu giảm trở lại. Vì vậy, với mức giá vàng đang nhạy cảm này đầu tư vàng khá rủi ro.

Theo nhận định của ông Phan Thanh Hải, Trường phòng nguồn vốn Ngân hàng GiaDinhBank, trong vài tuần tới khả năng vàng trong nước vượt mốc 40 triệu đồng/lượng là có thể, bởi giá vàng năm nay đang lập lại tình huống tăng giá mạnh như thời điểm này năm ngoái. Nhưng khác với năm ngoái, xu hướng xuất khẩu vàng khá lớn nên nguồn cung trong nước hẹp dần.

P.Nam (tổng hợp)

Đọc thêm