“Cởi trói” cho 78 triệu miếng ruộng: Lập mô hình ngân hàng đất đai?

(PLO) - Quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra chậm chạp đang là một trong những cản trở lớn đối với ngành nông nghiệp trong việc xây dựng những vùng sản xuất hiện đại, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị sâu và bền vững. 
Chưa có chính sách đồng bộ trong việc khuyến khích người dân cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đang làm chậm quá trình tích tụ đất đai. 
Ảnh minh họa
Chưa có chính sách đồng bộ trong việc khuyến khích người dân cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đang làm chậm quá trình tích tụ đất đai. Ảnh minh họa

20 năm: 4 xuống còn 3

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nông nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn là một nền nông nghiệp dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ, sản xuất manh mún với tổng số 13,8 triệu hộ và 78 triệu miếng ruộng. Vì thế, để thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới có hiệu quả vấn đề cấp bách đặt ra đầu tiên cần phải tháo gỡ chính là nút thắt đất đai.  

Một báo cáo của Bộ TN&MT phát đi từ đầu tháng 12/2016 cũng cùng chung nhận định. Mặc dù xây dựng chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, trong thời gian qua, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm. Thực trang đất đai bị phân tán đang là một trong những yếu tố cản trở hiện đại hóa nông nghiệp, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực này. 

Đáng chú ý, theo số liệu điều tra nông thôn trong giai đoạn 1993-2014 của Bộ TN&MT, số mảnh đất bình quân mỗi hộ trong 20 năm qua chỉ giảm từ 4 mảnh xuống 3 mảnh và diện tích đất trồng cây hàng năm của mỗi hộ cũng chỉ giảm từ 4.121m2 đến 3.334m2. Số trang trại tăng chậm từ 20.067 trang trại năm 2011 lên 29.500 trang trại trong năm 2015. 

Dường như cảm thấy sốt ruột trước  tốc độ “rùa bò” quá trình tích tụ đất đai diễn ra trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng nếu không tháo gỡ được rào cản về đất đai, không có một quy mô tập trung nhất định thì chúng ta không thể tổ chức sản xuất một cách hiệu quả theo chuỗi giá trị sâu và bền vững.

“Muốn có một nền hiệu quả và bền vững, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất của hộ nông dân theo quy mô HTX gắn kết với doanh nghiệp làm sao hình thành được những chuỗi sản phẩm, vùng nông nghiệp tập trung, có quy mô hàng hóa nhất định”- ông Cường nhấn mạnh. 

Doanh nghiệp khó tiếp cận

Thái Bình là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm khu vực phía Bắc. Để hiện đại hóa ngành nông nghiệp, tỉnh này cũng đang cho triển khai đề án tích tụ ruộng đất với mục tiêu đến năm 2020, diện tích đất tích tụ với quy mô 2 ha trở lên phải đạt con số 40 ngàn ha, diện tích với quy mô 10ha phải đạt con số 8.000ha. 

Tại Thái Bình, trong tổng số 4556 DN, chỉ có 138 DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và cũng mới chỉ có 9 DN tham gia tích tụ ruộng đất. Theo nhiều DN, nếu không có những giải pháp tháo gỡ về về chính sách hạn điền, tuyên truyền cho người dân thấy cần thiết phải tham gia tích tụ ruộng đất thì các mục tiêu này sẽ rất khó thực hiện.  

Là một DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản của tỉnh này, Cty TNHH Hưng Cúc cho rằng: Chính quyền cần có quy hoạch công khai, cần phải cụ thể hóa khu vực nào sản xuất lúa cho các DN thuê, khu vực nào dành cho người dân trồng lúa, khu vực nào dành cho sản xuất hoa màu, chăn nuôi. Nhà nước cũng cần có sự điều chỉnh về vấn đề pháp lý, quản lý, hạn điền sao cho phù hợp với người có sở hữu ruộng đất đai hiện nay để tạo điều kiện cho DN những người thuê đất có đầy đủ pháp lý sử dụng quyền thuê đát để tránh rủi ro do tranh chấp hợp đồng trong quá trình thuê đất. 

Một trong những hạn chế của quá trình tích tụ đất đai mà Bộ TN&MT chỉ ra là việc tiếp cận đất nông nghiệp của các DN còn gặp khó khăn do nhiều trường hợp chưa có sự đồng thuận cao của người sử dụng đất. Trong khi đó, luật cũng chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp không đồng thuận.  Và cũng chưa có chính sách đồng bộ trong việc khuyến khích người dân cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để cùng DN tổ chức lại sản xuất theo mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn. 

Bộ này nói rằng Nhà nước cần sớm có chính sách khuyến khích việc hình thành các hợp tác xã hoặc Trung tâm phát triển quỹ đất để nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sau đó cho các DN thuê để sản xuất. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể hướng dẫn việc góp vốn, cho thuê đất theo hướng bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng đất để tạo tâm lý yên tâm cho người sử dụng đất. 

“Thậm chí, nghiên cứu xây dựng mô hình Ngân hàng đất đai, trong đó các hộ gia đình, cá nhân gửi đất vào ngân hàng và được hưởng các lợi ích bằng hoặc cao hơn so với trước và khi họ tự sản xuất nông nghiệp, sau thời hạn tùy từng loại dự án thì người dân được nhận lại đất”- Bộ TN&MT đề xuất giải pháp để tháo nút thắt cho đất đai.  

Phải tháo gỡ được rào cản về đất đai

“Nếu không tháo gỡ được rào cản về đất đai, không có một quy mô tập trung nhất định thì chúng ta không thể tổ chức sản xuất một cách hiệu quả theo chuỗi giá trị sâu và bền vững. Muốn có một nền hiệu quả và bền vững, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất của hộ nông dân theo quy mô HTX gắn kết với doanh nghiệp làm sao hình thành được những chuỗi sản phẩm, vùng nông nghiệp tập trung, có quy mô hàng hóa nhất định”- Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.  

Đọc thêm