Con gặp tai nạn vì cha mẹ mải lo Tết

(PLO) - Thời điểm cận Tết Nguyên đán, các bác sĩ nhãn khoa lại cùng chung nỗi lo gia tăng bệnh nhi cấp cứu vì những trò “nghịch dại”, thậm chí có trường hợp bệnh nhân phải đối diện với nguy cơ không còn ánh sáng đón Tết. Chỉ trong 10 ngày gần đây, hầu như ngày nào Bệnh viện Mắt Trung ương cũng tiếp nhận các trường hợp trẻ bị chấn thương nặng ở mắt.

Đang điều trị tại bệnh viện, cháu Ánh D (5 tuổi, ở Lương Tài, Bắc Ninh) nhập viện được 5 ngày, bị tổn thương ở mắt vô cùng nguy hiểm. Anh Nguyễn Đình Chiên (bố cháu D) cho biết, cháu bị càng xe kéo (bằng sắt) đâm vào mắt. Lúc đó, bố mẹ đi làm chưa về, cháu ở nhà với bà, do bà bận làm việc nhà không để ý, cháu chơi một mình nên mới xảy ra tai nạn. 

Ngoài trường hợp của bệnh nhi Ánh D, tại bệnh viện, không ít trường hợp bệnh nhi gặp tổn thương rất nặng ở mắt do bị dị vật nhọn đâm vào mắt, có trường hợp bệnh nhân đã được mổ lần 1, nhưng vì tổn thương quá nặng, máu tụ quá nhiều có khả năng phải mổ lại. 

Tại Khoa Chấn thương, Bệnh viện Mắt Trung ương, anh Nông Văn Hậu (Tràng Định, Lạng Sơn) kể về tai nạn xảy ra với cô con gái (5 tuổi). Anh Hậu cho biết, trong lúc đang chơi đùa, con gái anh bị ngã vào bụi tre. Sau khi ngã, mắt bé bị chảy máu rất nhiều, gia đình vội vàng đưa bé xuống Bệnh viện huyện Tràng Định sơ cứu.

Ngay sau khi sơ cứu, bé được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn và ngay lập tức cháu được chuyển xuống Bệnh viện Mắt Trung ương. Do bị gai tre đâm vào mắt nên máu tụ bên trong, bé Oanh đã được các bác sĩ làm phẫu thuật lấy phần máu tụ. May mắn cho trường hợp của bé, tổn thương mắt không quá nghiêm trọng và được đưa đi điều trị kịp thời nên sau 7 tuần, mắt bé đã dần phục hồi. 

Đáng chú ý, hầu hết các trẻ đều vô ý bị vật nhọn đâm vào mắt trong lúc chơi đùa mà không có sự trông nom của người lớn, trong đó có cả trường hợp bị dao nhọn đâm, có trường hợp bị nạn do chơi các trò chơi tự chế, phi cây nhọn vào mắt nhau, hay có trẻ bị bắn đá vào mắt gây tổn thương. 

BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, 47% tai nạn mắt xảy ra lứa tuổi 18 - 45, lứa tuổi lao động kiếm sống, 25% chấn thương mắt trên trẻ em. Càng ngày cận Tết, hoặc vào dịp Tết, trong khi người lớn bận rộn công việc dọn dẹp, trang trí, nấu nướng, bận công việc, không được quán xuyến, giám sát chặt chẽ con em. Tại một số trường, lớp mẫu giáo, trẻ con được nghỉ học sớm, các bé tự vui chơi. Hai yếu tố này cộng lại làm tỷ lệ tai nạn gia tăng trong dịp cận Tết và đúng thời điểm Tết như: cành cây chọc vào mắt, mỡ nóng bắn vào mắt, va đập hoặc bị vật sắc nhọn chọc vào khi vui đùa,...

Đa số trẻ bị tai nạn đang ở độ tuổi dưới 10 và hay gặp ở những trẻ vùng nông thôn do các cháu tự chế và chơi các trò chơi dễ gây tổn thương. Đặc biệt, có nhiều cháu khi bị thương ở mắt thường cố chịu đau không dám nói với bố mẹ, chỉ khi phát hiện sưng tấy, đỏ mắt mới phát hiện ra thì đã quá muộn. 

Ngoài ra, tai nạn về mắt không chỉ xảy ra với trẻ nhỏ mà cả với chính bản thân người lớn, các bậc cha, mẹ. Bởi dịp gần Tết, mọi người thường bận rộn hơn với những công việc sửa chữa, trang trí nhà. 

Do đó, với người lớn, khi tham gia những công việc có thể gây hại cho mắt như: khoan tường, khi đóng đinh, khi dùng máy mài, máy đánh bóng,... cần đeo kính bảo hộ, tấm che mặt,... vì những hoạt động này thường có các mảnh vụn kim loại bắn ra có thể xuyên vào mắt. Hơn nữa, những cành đào, cành quất, đồ vật thường có hầu hết trong dịp Tết đối với mỗi gia đình cũng là nơi tiềm ẩn mối nguy hiểm cho đôi mắt trong những lúc qua, lại gần hoặc những lúc di chuyển vị trí đặt của cây.

“Để hạn chế tai nạn có thể xảy ra, các bậc phụ huynh dù bận dịp cuối năm, nhưng cần phải cảnh giác và quan tâm, giám sát các hoạt động của trẻ, đặc biệt không cho trẻ chơi những trò nguy hiểm, có nguy cơ gây chấn thương ở mắt. Những trường hợp phát hiện và can thiệp muộn ảnh hưởng rất lớn đến thị lực, nhẹ thì bị giảm thị lực, nặng thì dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Vì thế, khi bị chấn thương ở mắt tốt nhất đưa trẻ đến viện để được can thiệp ở 6 giờ đầu”, BS Cương cho biết./.

Đọc thêm