Trẻ bị thương, tử vong, bơ vơ vì tai nạn giao thông
Báo cáo cuối năm của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy tại Hà Nội, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan tới trẻ em đã gia tăng theo cả 3 tiêu chí: số vụ, số trẻ bị chết và số trẻ bị thương. Học sinh cấp III là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm tới 90% các vụ TNGT liên quan tới trẻ em trong 3 năm gần đây. Tỉ lệ thiệt mạng do TNGT của học sinh cấp III tại Hà Nội vào năm 2016 là 7,39/100.000 học sinh. Tỉ lệ này cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình của một số nước trong khu vực châu Á (cao gấp 1,25 lần của Cambodia; 2,73 lần của Nhật Bản và 1,84 lần của Hàn Quốc.
Tại TP HCM, số trẻ em tử vong do TNGT tăng nhanh, từ 35 (2013) lên 61 (2014) và 111 (2015). Học sinh cấp 3 (16-18 tuổi) là đối tượng bị TNGT và tử vong cao nhất, trên 80% các vụ TNGT xảy ra khi trẻ em đang cầm lái điều khiển phương tiện. Mức rủi ro tử vong do TNGT ở trẻ em tại TP Hồ Chí Minh cao gấp 3 - 4 lần mức rủi ro trung bình của người dân thành phố; cao gấp 8-9 lần trẻ em cùng nhóm tuổi ở các nước thuộc tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD.
Đã là ngày cuối cùng của năm 2017 nhưng 9h15’ ngày 31/12/2017 tại Cầu Mây, xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên xảy ra vụ TNGT giữa xe ô tô mang BKS 29B – 141.98 loại 45 chỗ, xe chở công nhân Công ty Sam Sung, và xe mô tô mang BKS 20G1-367.56. Hậu quả làm 2 em nhỏ (sinh năm 2006, 2009) chết tại chỗ. Vụ tai nạn này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ TNGT với trẻ em đang tăng nhanh.
Không chỉ bị thương hoặc tử vong vì TNGT, trẻ em còn là nạn nhân của TNGT ở một góc độ khác, khi cha mẹ các em bị tử thần lấy mạng trên đường đi làm. Ngày 1/3/2016, anh Nguyễn Ngọc Phú (SN 1985) và chị Đặng Thị Lợi (SN 1987), thôn Hộ Vệ, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh bị TNGT khi đang trên đường từ Bắc Ninh sang Gia Lâm hái rau muống về bán. Vợ chồng anh chị ra đi, để lại bé Nguyễn Hải Yến lúc đó 7 tuổi; bé Nguyễn Ngọc Huy 3 tuổi và bé Nguyễn Thùy Dung 5 tháng tuổi cho bà nội Nguyễn Thị Minh đã ngoài 60 tuổi chăm sóc.
Trước hoàn cảnh quá khó khăn của 4 bà cháu, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp cùng Quỹ Ford hỗ trợ mỗi bé một sổ tiết kiệm trị giá 60 triệu đồng. Ngoài ra, Ủy ban cũng hỗ trợ ba cháu bé số tiền 10 triệu đồng. Báo Giao thông cũng trao số tiền 10 triệu đồng trích từ Quỹ Chung tay vì ATGT hỗ trợ ba cháu bé. Với số tiền tổng cộng 200 triệu đồng đó, cùng với sự chung sức của nhiều nhà hảo tâm khác, 3 đứa trẻ sẽ có cơ hội đến trường, nhưng cuộc sống không vì thế mà hết khó khăn, thiếu vắng.
Người lớn nêu gương về văn hóa giao thông
Học sinh cấp 3 (16-18 tuổi) là đối tượng bị TNGT và tử vong cao nhất, trên 80% các vụ TNGT xảy ra khi trẻ em đang cầm lái điều khiển phương tiện. Và theo nghiên cứu của TS. Chu Công Minh – chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về giao thông, với sự hỗ trợ từ Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Uỷ ban ATGT Quốc gia, 33% học sinh đi bộ trả lời rằng chưa được học cách đi bộ an toàn, 27% học sinh sử dụng phương tiện cho biết chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách vì các chủ đề này chưa có trong giáo dục an toàn giao thông tại trường học; gần 90% học sinh và cha mẹ đồng thuận với mong muốn học sinh THPT cần được học về kỹ năng điều khiển phương tiện. Những con số này cho thấy sự cần thiết của việc thực hiện các khoá huấn luyện về an toàn giao thông và kỹ năng lái xe an toàn cơ bản ngay trong trường học. Ông Yano Takeshi - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam) nhận thấy, học sinh khi tham gia giao thông thiếu những kỹ năng xử lý tình huống. Vì vậy, các em cần nhận được sự quan tâm từ các cơ quan chức năng, gia đình và nhà trường.
Năm 2018 được Ủy ban ATGT Quốc gia chọn là Năm An toàn giao thông với chủ đề “An toàn giao thông” cho trẻ em với giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017”. Ở góc độ xây dựng pháp luật, để thực hiện được mục tiêu an toàn giao thông cho trẻ em, các văn bản pháp luật liên quan tới an toàn giao thông cho trẻ em sẽ tiếp tục được chú trọng, sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu ban hành quy định chặt chẽ hơn về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với xe buýt và xe hợp đồng chở học sinh; quy định về ghế và dây an toàn dành cho trẻ sơ sinh trên xe ô tô...
“Cặp bài trùng” với TNGT đó là ý thức của người tham gia giao thông, vì thế Ủy ban ATGT Quốc gia đặt ra mục tiêu tiếp tục xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội trọng tâm là bảo vệ an toàn giao thông cho trẻ em và người lớn nêu gương về văn hoá giao thông
Với ngành Giáo dục, các Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai Năm An toàn giao thông 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em” trong toàn ngành và phát động “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh tới trường-tháng 9/2018; hoàn thành xây dựng chương trình giáo dục an toàn giao thông cho toàn bộ các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông, triển khai đồng bộ từ năm học 2018-2019. Thực tế cho thấy, khu vực các trường học là khu vực mất an toàn giao thông nhất với nhiều vụ TNGT xảy ra, nhiều vi phạm về an toàn giao thông cũng như văn hóa giao thông xuống cấp. Vì thế, theo đề nghị của Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ GTVT nghiên cứu ban hành quy định về khu vực an toàn giao thông xung quanh trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông.
“Một khía cạnh nhân văn nữa của Năm An toàn giao thông cho trẻ em đó là việc nghiên cứu, đề xuất các nội dung hỗ trợ nạn nhân TNGT khắc phục hậu quả, hòa nhập cộng đồng. Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thực hiện, chú trọng các chế độ hỗ trợ, tạo cơ hội phát triển cho trẻ em là con các nạn nhân tử vong hoặc bị thương tật nặng do tai nạn giao thông”, theo ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia.