Vì miếng đất tổ tiên để lại được giá, con trai Võ Tá Hồng đã lập di chúc giả và phát đơn kiện đòi quyền sử dụng đất với cha mình là ông Võ Tá Thế, 78 tuổi ở xóm Đoài Thịnh, xã Thạch Trung, Thành phố Hà Tĩnh…
Ông Võ Tá Thế cùng vợ là bà Lê Thị Triện, 79 tuổi đang sinh sống trên mảnh vườn do tổ tiên để lại. Năm 2004, xã Thạch Trung được sát nhập vào thành phố Hà Tĩnh nên giá trị tăng lên vù vù cũng là thời điểm con trai ông bà là Võ Tá Hồng phát đơn kiện cha mình.
Theo ông Thế cho biết: Năm 2007, khi nhà nước có chủ trương cấp lại “sổ đỏ” cho người dân, tôi đã chia mảnh vườn cho 3 con (2 con gái và 1 con trai là Võ Tá Hồng). Theo đó, con trai Võ Tá Hồng đã lập gia đình, hai vợ chồng đều có công việc và thu nhập ổn định lại có nhà riêng khang trang nên được nhận một phần mảnh vườn có diện tích 600 m2; hai con gái mỗi người được hưởng diện tích 100 m2.
Ông Thế đã mời cán bộ địa chính về đo đạc cắm mốc cẩn thận, nhưng Hồng cùng vợ là chị Trần Thị Cẩm hiện là giáo viên Trường tiểu học Nam Hà (Thành phố Hà Tĩnh) vẫn không đồng ý nên đã lập di chúc giả, mạo chữ ký của mẹ tôi là bà Trương Thị Thụ và làm đơn yêu cầu UBND xã Thạch Trung không cấp bìa đỏ cho tôi và hai con gái. Tháng 9/2009, vợ chồng Hồng nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Tĩnh đòi thực hiện quyền thừa kế theo tờ di chúc giả.
Tại phiên tòa vào ngày 29/9/2010, chị Trần Thị Cẩm khai trước tòa rằng tờ di chúc do mẹ ông Thế là bà Trương Thị Thụ đọc và nhờ chị Cẩm viết. Nhưng cuối bản di chúc lại đề tên người viết với chữ Thụ, cũng do chị Cẩm viết thay, không có chữ ký của bà Thụ, không có người làm chứng cũng như chữ ký của người làm chứng.
Hai ngày sau khi bản di chúc được lập, chị Cẩm đến gặp ông Võ Tá Quế - Chủ tịch UBND xã Thạch Trung đề nghị ký xác nhận. Trong hồ sơ vụ án, ông Võ Tá Quế có xác nhận và khai trước tòa rằng bản di chúc trên do một mình chị Cẩm mang đến, ông không chứng kiến việc bà Thụ viết hay ký vào bản di chúc, còn do ai trực tiếp viết, ai ký thì ông không biết.
Ông Thế cho biết thêm: mẹ ông - bà Trương Thị Thụ vốn không biết chữ. Trước đây, các văn bản cần thiết liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi của bà đều do bà điểm chỉ hoặc ủy quyền cho ông ký hộ. Việc này được người thân cũng như cán bộ địa phương từng chứng kiến và ghi nhận.
Sau khi đánh giá chứng cứ, Tòa án nhân dân thành phố Hà Tĩnh đã bác đơn kiện của anh Hồng; nhưng anh này không chấp nhận và tuyên bố sẽ kiện đến cùng.
Nói là làm, ngày 01/10/2010, anh Hồng nộp đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Đồng thời, hai vợ chồng với vị trí công tác và các mối quan hệ của mình đã ráo riết chuẩn bị nhằm lật lại vụ án.
Vợ chồng ông Thế nay đều đã già yếu, cuộc sống hết sức khó khăn, vợ bị mù lòa không có khả năng lao động, toàn bộ chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày đều trông cậy cả vào 2 sào ruộng và tiền công eo hẹp do ông đi làm thuê.
Ông Thế cho biết: Tôi đau lòng lắm. Vợ chồng con trai có điều kiện, nhưng chúng tôi cũng đã chia phần lớn mảnh vườn cho. Đổi lại, nay họ lại bất chấp đạo lý mạo danh kiện tụng, tranh chấp tài sản khiến vợ chồng tôi vừa khổ tâm đau đớn, lại vừa hổ thẹn với xóm làng.
Từ khi các con tôi đưa ra bản di chúc giả và tuyên bố khởi kiện cha mẹ, đêm đêm tôi thường thao thức nuốt lệ, không rõ chúng tôi nuôi dạy con chỗ nào chưa thỏa đáng để đến nỗi con trai là cán bộ sỹ quan quân đội về hưu, con dâu là cô giáo tiểu học ngày ngày dạy dỗ học sinh về công cha nghĩa mẹ, đạo hiếu đức sinh làm đầu lại xử sự như vậy?
“Trước phiên tòa phúc thẩm sắp tới, mặc dù con trai và con dâu tôi sẽ bằng mọi cách hòng đổi trắng thay đen, đảo ngược công lý, vợ chồng tôi hết sức trông mong và hy vọng một lần nữa công lý sẽ được thực thi với một bản án chính xác hợp tình hợp lý”. Ông Thế buồn bã.
Tòa bác đơn của người con vì di chúc có dấu hiệu giả mạo. Một bản di chúc như thế nào thì có giá trị pháp luật, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Mạnh Cường, VPLS Phạm Hồng Hải và Cộng sự về vấn đề này. - Thưa Luật sư, khi UBND xã đã “đóng dấu” chứng thực vào bản di chúc thì đó sẽ là bản di chúc có hiệu lực đúng không? - Thưa ông, đối với trường hợp chứng thực di chúc thì việc chứng thực như thế nào thì đảm bảo đúng pháp luật? - Khi chứng thực di chúc, nguyên tắc bắt buộc là người để lại di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa gạt, không bị cưỡng ép lập di chúc. Vì thế, việc lập di chúc phải được thực hiện công khai tại trụ sở của UBND cấp xã, phường. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị định của Chính phủ về chứng thực thì khi chứng thực di chúc, người lập di chúc phải tuyên bố toàn bộ nội dung di chúc trước mặt cán bộ có thẩm quyền của UBND cấp xã, phường. Trường hợp người để lại di chúc không thể đọc, viết được thì có thể nhờ người khác viết và đọc cho họ nghe nhưng việc viết và đọc này cũng phải được cán bộ có thẩm quyền của UBND xã đọc công khai có người để lại di chúc nghe. Sau đó, hỏi họ có đồng ý với nội dung di chúc vừa đọc không. Nếu họ đồng ý thì để họ ký trước và sau đó người làm chứng (nếu có) ký. Cán bộ có thẩm quyền của UBND cấp xã ký sau cùng. - Trường hợp viết hộ di chúc như vụ việc nêu trên thì di chúc có hiệu lực pháp luật không, thưa ông? - Đó là di chúc không có giá trị pháp luật. Việc chứng thực không được thực hiện đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định thì không cần biết nội dung di chúc thể hiện điều gì, bản di chúc đó là vô hiệu vì di chúc không được đảm bảo tính khách quan sẽ có thể gây phương hại đến quyền lợi của người có liên quan. Nên khi có tranh chấp, bắt buộc phải hủy bỏ di chúc đó. - Xin cảm ơn ông!
|