Con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển

(PLVN) - Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta nhất quán xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển.
Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. (Ảnh minh họa)
Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. (Ảnh minh họa)

Quan điểm đúng đắn này đã được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật, theo đó, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng và bảo vệ.

Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, nỗ lực thúc đẩy quyền con người cả trong nước và trên thế giới. Điển hình là việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (thường được biết đến với tên gọi tắt là Công ước ICCPR).

Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tôn trọng các quyền con người

Theo Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp, Công ước ICCPR là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất của Liên Hợp quốc (LHQ) về vấn đề quyền con người. Việt Nam trở thành thành viên LHQ vào năm 1977 và gia nhập Công ước ICCPR vào năm 1982. Nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm các quyền dân sự, chính trị thông qua việc thực thi Công ước ICCPR đã được thể hiện một cách chủ động, đầy đủ thông qua công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về các quyền dân sự, chính trị; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền dân sự, chính trị; tăng cường thực thi pháp luật và thực hiện nghĩa vụ xây dựng báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR.

Trong đó, “điểm sáng” trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật để ghi nhận đầy đủ các quyền con người trong những năm qua là sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 với một chương riêng quy định về quyền con người. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận nguyên tắc: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”; đồng thời cũng quy định rõ, mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Hiến pháp năm 2013 cũng lần đầu tiên quy định nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung về hạn chế quyền. Theo đó: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Nguyên tắc này phù hợp với các chuẩn mực của pháp luật quốc tế về hạn chế quyền con người. Nguyên tắc này cũng được thể hiện tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Trong giai đoạn từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2022, Việt Nam đã thông qua 56 luật, nghị quyết của Quốc hội (QH) có liên quan đến quyền con người, quyền công dân, góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng như các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, như Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Thanh niên năm 2020, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Cư trú năm 2020, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2021, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Luật Thanh tra năm 2022, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022... Trong Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, QH dự kiến ban hành nhiều luật khác liên quan quyền con người như Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Dân số (sửa đổi),...

Bên cạnh đó, để thực hiện nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, Việt Nam không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, theo đó, xác định rõ ràng hơn thẩm quyền của các cơ quan nhà nước có liên quan đến bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Ví dụ, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ QH có thẩm quyền quyết định việc phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (khoản 14 Điều 70); Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (khoản 6 Điều 96); Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân (khoản 3 Điều 102); và Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân (khoản 3 Điều 107).

Chức năng, nhiệm vụ của QH, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan có nhiệm vụ liên quan đến quyền con người khác đều được cụ thể hoá trong các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó xác định rõ giới hạn về thẩm quyền để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tôn trọng đối với các quyền con người. Đồng thời, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thực hiện hoạt động phản biện xã hội cũng được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn...

Tạo điều kiện tốt nhất cho các cá nhân thụ hưởng quyền của mình

Trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật được hoàn thiện, trong đó bổ sung các nguyên tắc, trình tự, thủ tục để bảo đảm quyền của đối tượng tác động - cũng là bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành từng loại văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp, đánh giá tác động về giới... Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình đề xuất, xây dựng đều được đánh giá để bảo đảm sự phù hợp với các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các văn bản quy phạm pháp luật cũng có thể được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ thi hành; xây dựng và thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn để bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, các hành vi xâm phạm quyền con người cũng được phòng ngừa thông qua hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về xử lý các hành vi này. Việt Nam đã ban hành, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và nhiều nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, trong đó quy định rõ các hành vi bị coi là tội phạm, vi phạm hành chính và các mức chế tài cụ thể với từng hành vi.

Ngoài việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để trực tiếp ghi nhận, bảo vệ quyền con người, Việt Nam cũng tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp luật có liên quan để tạo điều kiện cho các cá nhân được thụ hưởng quyền của mình ở mức độ cao nhất có thể. Hiện nay, Việt Nam có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để hỗ trợ các cá nhân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương được tiếp cận thông tin, hiểu rõ hơn và có cơ hội thực hiện quyền của mình, như Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật...

Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để thúc đẩy quyền con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới, trong đó có Việt Nam vừa trải qua đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng, cản trở nghiêm trọng việc thụ hưởng quyền của các cá nhân. Trong giai đoạn dịch bệnh, QH đã kịp thời ban hành các Nghị quyết tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng được ban hành trong giai đoạn này để bảo đảm tốt hơn nữa quyền của người dân trong bối cảnh dịch bệnh, ví dụ như Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch COVID-19...

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về quyền dân sự và chính trị; hoàn thành việc xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR.

Năm 2023, Việt Nam bắt đầu đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ thứ hai tới năm 2025, sau nhiệm kỳ thứ nhất từ năm 2014 - 2016. Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, chung tay với cộng đồng quốc tế để xây dựng một thế giới hòa bình, mọi người dân và mọi quốc gia, dân tộc đều thụ hưởng thành quả phát triển và tiến bộ xã hội, không ai bị bỏ lại ở phía sau.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, để tiếp tục thực hiện Công ước ICCPR, qua đó thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị, một số ý kiến cho rằng, cần chú trọng một số giải pháp như đẩy mạnh triển khai các giải pháp tuyên truyền, truyền thông có hiệu quả để tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân và trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về các nội dung và nghĩa vụ thực thi Công ước, gắn với việc tổ chức thi hành hiệu quả Hiến pháp và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị. Tăng cường nguồn lực bảo đảm, tạo điều kiện thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách, pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế, công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam là thành viên tham gia ký kết, gia nhập…

Đọc thêm