Còn nhiều “dư địa” để hoàn thành vượt 5% dự toán năm

(PLO) - Đạt gần 50% dự toán, tăng gần 14% so với cùng kỳ, thu ngân sách nhà nước (NSNN)  6 tháng đầu năm do ngành Thuế quản lý đạt mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2018 do Tổng cục Thuế đã tổ chức hôm qua (20/7), Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà lưu ý, ngành Thuế còn nhiều dư địa để hoàn thành mục tiêu vượt 5% dự toán trong năm nay..
Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm
Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm

Tăng gần 14% so với cùng kỳ

Báo cáo của Tổng cục Thuế  cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, số thu ngân sách do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt 531.520 tỷ đồng, bằng 49,7% so với dự toán và tăng 13,9% so với cùng kỳ. Trong đó: thu từ dầu thô ước đạt 29.565 tỷ đồng (bằng 82,4% dự toán, tăng 25,3%); thu nội địa ước đạt 496.782 tỷ đồng (bằng 48% so với dự toán, bằng 112,1% so với cùng kỳ); số thu không kể tiền sử dụng đất (SDĐ), cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết ước đạt 402.506 tỷ đồng, (bằng 46,4% so với dự toán, tăng 13% so với cùng kỳ). 

Theo Tổng cục Thuế, kết quả thu NSNN đạt khá so với nhiều năm gần đây cả về tiến độ và tốc độ tăng thu (6 tháng năm 2017 đạt 44,6% số thực hiện cả năm, tăng 13% so cùng kỳ; 6 tháng năm 2016 đạt 45,4%, tăng 6,6% so cùng kỳ; 6 tháng năm 2015 đạt 46,1%, tăng 11% so cùng kỳ) do thu từ dầu thô và đất đai tăng cao. Giá dầu thô ước đạt khoảng 71 USD/thùng, cao hơn dự toán 21 USD. Thị trường bất động sản sôi động, các địa phương đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền SDĐ và thu hồi nợ đọng tiền SDĐ từ các dự án triển khai các năm trước đây nên thu từ tiền SDĐ, tiền thuê đất ở hầu hết các địa phương đạt khá. Tổng thu tiền SDĐ ước đạt 74,2% dự toán, tăng 19% cùng kỳ, tiền thuê đất ước đạt 70,9% dự toán, tăng 22,6% so cùng kỳ.

“Để đạt được số thu này, ngay từ đầu năm cơ quan Thuế (CQT) các cấp đã triển khai quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách; tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường rà soát đối tượng, khai thác nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời tiền thuế phát sinh vào NSNN. Toàn ngành Thuế cũng đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ, đối thoại DN để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi giúp DN phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế…”, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu.

Cùng với đó, với mục tiêu phấn đấu thanh tra, kiểm tra đạt tối thiểu 18,5% số DN đang hoạt động, 6 tháng đầu năm CQT các cấp đã thanh tra, kiểm tra được 30.189 DN, đạt 33,84% kế hoạch năm, bằng 107,1% cùng kỳ năm 2017; với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 5.764,8 tỷ đồng, giảm khấu trừ 508 tỷ đồng, giảm lỗ 9025,7 tỷ. Số tiền thuế nộp vào ngân sách là 2.615,3 tỷ đồng, đạt 45,37% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra. 

Đáng chú ý, đến 30/6/2018, các Cục thuế đã đôn đốc, thu hồi được 17.944 tỷ đồng tiền thuế nợ. Số thu này bằng 43,1% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2017. Trong đó: thu bằng biện pháp quản lý nợ là 12.633 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 5.311 tỷ đồng.

Quyết thu vượt 5% dự toán năm

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá công tác thu ngân sách 6 tháng đầu năm của ngành Thuế là khá cao, nhưng lưu ý về cơ cấu còn một số khoản thu có tỷ lệ thấp, chưa đạt mức 50% dự toán, trong đó có một số khoản còn thấp hơn nữa. Một số khoản thu từ khu vực DN nhà nước, DN FDI và ngoài quốc doanh còn thấp. Có 19 địa phương có tỷ lệ thu dưới 50% dự toán, trong đó có 12 địa phương mức thu còn thấp hơn 48% dự toán.

Thứ trưởng cũng lưu ý, trong công tác quản lý thuế còn một số hạn chế, tồn tại như việc triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra còn chậm so với kế hoạch, mới đạt trên 33%. Tổng số thuế nợ đọng đến ngày 30/6 tăng 9,6% so với thời điểm 31/12/2017; 56/63 địa phương có tỷ lệ nợ đọng cao hơn, trong đó có 20 địa phương nợ đọng đến 20%.., Theo Thứ trưởng, đây là vấn đề cần tiếp tục quan tâm giải quyết. “Cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc tập trung các nguồn thu, trong công tác quản lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ được  giao” - Thứ trưởng lưu ý.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, ngành Thuế đặt mục tiêu phấn đấu thu NSNN năm nay là vượt 5% dự toán được giao. “Để đạt được mục tiêu đó, 6 tháng cuối năm ngành Thuế sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trốn lậu thuế và đẩy mạnh công tác quản lý nợ đọng thuế. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, hỗ trợ DN khởi nghiệp..” - Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.

Phấn đấu giảm nợ đọng thuế

Tổng cục Thuế cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2018, 6 tháng cuối năm sẽ tập trung triển khai đầy đủ các biện pháp quản lý nợ, phấn đấu tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% so với số thực hiện thu trong năm 2018. Số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2018 giảm so với thời điểm 31/12/2017. CQT các cấp chủ động tham mưu với UBND cùng cấp chỉ đạo các ngành trên cùng địa bàn phối hợp với CQT duy trì các tổ liên ngành thu hồi nợ đọng tại các địa phương. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật về nợ thuế cho người nộp thuế để nâng cao tính tuân thủ, khuyến khích tinh thần tự nguyện, tự giác của người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. 

Đọc thêm