Con sinh ra tại Việt Nam có được mang quốc tịch nước ngoài không?

(PLO) -Tôi (quốc tịch Việt Nam) và người yêu tôi (quốc tịch Mỹ) đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Chúng tôi dự định sẽ kết hôn và đồng thời tôi cũng chuẩn bị sinh em bé trong thời gian tới. Tuy nhiên, vì một số lý do nên hai chúng tôi chưa kể kết hôn trước khi cháu sinh. Hiện nay, chúng tôi có nguyện vọng cho cháu được mang quốc tịch cha. Trong trường hợp này tôi cần thực hiện những thủ tục gì để cháu được mang quốc tịch cha? (Hoàng Kim Ngân, Đống Đa, Hà Nội)  

Theo quy định tại Luật quốc tịch Việt Nam thì khi một đứa trẻ sinh ra mà có mẹ là người Việt Nam và cha là người nước ngoài, thì có thể lựa chọn cho con theo quốc tịch của cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ. Tuy nhiên, việc lựa chọn quốc tịch cho con có yếu tố nước ngoài cần bảo đảm những điều kiện nhất định theo pháp luật Việt Nam và pháp luật nước mà đứa trẻ dự định mang quốc tịch.

Đối với trường hợp của bạn, do bạn và bạn trai chưa đăng ký kết hôn nên đứa con sinh ra được gọi là con ngoài giá thú theo pháp luật hôn nhân và gia đình. Vì thế thủ tục làm đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú cũng giống như đăng ký khai sinh cho con trong giá thú nếu thỏa mãn điều kiện là: cả cha và mẹ đều thừa nhận đứa con và đồng thời làm thủ tục nhận con.

Tại điều 30 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện nhận con thì: 

- Việc nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam theo quy định của Nghị định này chỉ được thực hiện nếu bên nhận và bên được nhận đều còn sống vào thời điểm nộp hồ sơ; việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp về việc nhận cha, mẹ, con.

Trường hợp một hoặc cả hai bên không còn sống tại thời điểm nộp hồ sơ hoặc có tranh chấp về xác định cha, mẹ, con thì vụ việc do Tòa án giải quyết.

-  Trong trường hợp người được nhận là con chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của mẹ hoặc cha, trừ trường hợp mẹ hoặc cha đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Nếu con chưa thành niên từ đủ chín tuổi trở lên thì việc nhận cha, mẹ, con phải có sự đồng ý của người con đó.

-  Con đã thành niên nhận cha không phải có sự đồng ý của mẹ, nhận mẹ không phải có sự đồng ý của cha.

-  Trường hợp con chưa thành niên nhận cha thì mẹ làm thủ tục nhận cha cho con, nhận mẹ thì cha làm thủ tục cho con. Trường hợp con chưa thành niên nhận cha mà người mẹ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc nhận mẹ mà người cha đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ làm thủ tục nhận cha hoặc nhận mẹ cho con.

Như vậy, để đăng kí khai sinh cho con mang quốc tịch của người cha (Quốc tịch Mỹ) thì người cha thực hiện thủ tục nhận con theo quy định trên và đồng thời  người mẹ (Tức bạn) phải có sự đồng ý (bằng văn bản) gửi kèm hồ sơ nhận con đến Sở Tư pháp nơi bạn cư trú.

Để tiến hành thủ tục nhận con thì bạn và người yêu bạn cần chuẩn bị hồ sơ như sau:

- Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

- Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân, như Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như Giấy thông hành hoặc Thẻ cư trú (đối với người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);

- Bản sao Giấy khai sinh của người được nhận là con trong trường hợp nhận con; của người nhận cha, mẹ trong trường hợp xin nhận cha, mẹ;

- Giấy tờ hoặc chứng cứ khác chứng minh quan hệ cha, con hoặc mẹ, con;

- Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), bản sao Thẻ thường trú (đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam) của người được nhận là cha, mẹ, con.

 Hồ sơ trên phải do người có yêu cầu nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 31 của Nghị định này.

Sau khi làm thủ tục nhận con theo quy định trên thì bạn tiến hành thủ tục đăng kí khai sinh cho con như sau:

Bước 1: Người có yêu cầu đăng ký khai sinh nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi người đăng ký khai sinh cư trú hoặc qua đường bưu chính.

Hồ sơ gồm: 

- Những giấy tờ bạn phải nộp:

+ Tờ khai theo mẫu quy định;

+ Bản chính Giấy chứng sinh do cơ sở y tế nơi trẻ em sinh ra cấp hoặc giấy tờ thay thế Giấy Chứng sinh (nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng; trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực).

+ Giấy thỏa thuận của cha và mẹ đứa trẻ về việc chọn quốc tịch trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con. Giấy thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân về việc chọn quốc tịch cho con là phù hợp với pháp luật của nước đó (đã được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch sang tiếng Việt).

Trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh: Văn bản ủy quyền theo quy định pháp luật.

- Giấy tờ phải xuất trình:

+ Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).

+ Giấy tờ tùy thân (gồm: hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng).

+ Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của cha hoặc của mẹ.

+ Trường hợp trẻ sinh ra ở nước ngoài về cư trú ở Việt Nam thì xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em nhập cảnh (hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan xuất nhập cảnh) và giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam (văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền).

+ Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.

Bước 2: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân quận, huyện tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ:

- Trường hợp nộp trực tiếp:

+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ hợp lệ, công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo quy định.

Trường hợp tiếp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà Ủy ban nhân dân quận, huyện không thể giải quyết và trả kết quả ngay trong ngày thì người tiếp nhận hồ sơ phải có phiếu hẹn ghi rõ thời gian (giờ, ngày) trả kết quả cho người nộp hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ, công chức được phân công tiếp nhận hướng dẫn bằng văn bản cho người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

- Trường hợp nộp qua bưu chính:

Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì thực hiện giải quyết hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì mời người nộp hồ sơ đến bổ sung theo quy định.

Bước 3: Ngay khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, công chức làm công tác hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh. Trường hợp từ chối, thông báo bằng văn bản, có nêu rõ lý do.

Đọc thêm