Đó là câu chuyện của chị Hoàng Thị Thu Thủy (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang). Theo lời chị Thủy, chị và anh Bình kết hôn năm 2001, hai năm sau thì sinh được một cháu trai đầu lòng. Năm 2005, anh chị quyết định chia tay, Tòa nhận đơn nhưng chưa thụ lý thì anh ấy bỏ nhà đi biệt tích, cho đến nay không có tin tức gì. Đến năm 2012, chị “đi bước nữa” với anh Lưu, năm sau thì sinh được một con chung đặt tên là Huệ.
Nay, chị đến UBND xã đăng ký khai sinh cho con nhưng bị từ chối. Công chức hộ tịch giải thích với chị: “Nếu muốn đăng ký khai sinh cho Huệ thì tên cha phải là Bình” (trong khi thực tế cha của Huệ lại là Lưu); Nếu đề tên cha là Lưu thì phải ly hôn với anh Bình, sau đó làm thủ tục đăng ký kết hôn với anh Lưu. “Vậy, tôi phải làm như thế nào để được đăng ký khai sinh cho con cho đúng với thực tế?
Trong trường hợp này có thể thấy, về mặt giấy tờ, chị Thủy và anh Bình vẫn còn là vợ chồng của nhau, bởi hai người chưa tiến hành ly hôn. Ở đây, không đề cập tới việc chị vi phạm chế độ hôn nhân không khi trong thời gian còn hôn thú với người này nhưng vẫn chung sống như vợ chồng với người khác, chỉ đề cập đến việc đảm bảo quyền lợi về khai sinh cho con chị.
Liên quan đến vấn đề này, Luật gia Bùi Đức Độ (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang) tư vấn, Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) quy định con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Do vậy, về pháp lý thì cháu Huệ là con chung của chị với anh Bình, trừ trường hợp anh Bình không nhận cháu Huệ là con của mình thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp về xác định cha cho con tại Tòa án. Thế nên, nếu đăng ký khai sinh cho Huệ thì tên cha sẽ là Bình theo như lời công chức hộ tịch xã là đúng với pháp luật HN&GĐ, nhưng lại không đúng với thực tế nên phải lựa chọn một cách giải quyết khác.
Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích”. Bộ luật này cũng quy định, trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về HN&GĐ.
Để giải quyết dứt điểm quan hệ hôn nhân với anh Bình, chị phải làm đơn yêu cầu tuyên bố anh Bình mất tích, sau đó xin ly hôn với anh Bình. Kèm theo đơn yêu cầu tuyên bố mất tích là các tài liệu, chứng cứ để chứng minh anh Bình mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc anh Bình còn sống hay đã chết và chứng minh rằng chị đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm; trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích.
Thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích phải được đăng trên một trong các báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án, UBND tỉnh Kiên Giang (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp. Chi phí cho việc đăng, phát thông báo này do người yêu cầu chịu. Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên.
Đăng ký khai sinh không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của các bậc làm cha làm mẹ, vì vậy chị phải tiến hành các thủ tục như tuyên bố mất tích, ly hôn, sau đó kết hôn mới cấp Giấy khai sinh cho cháu Huệ được. Nếu gia đình chị thuộc diện hộ nghèo thì sẽ được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh trợ giúp về mặt pháp luật; các chi phí, lệ phí được giảm miễn cho hộ nghèo theo quy định.