Con tàu kinh tế Việt Nam đang tiến ra biển lớn toàn cầu

Phát biểu tại Gala “Kết nối & Hội nhập” ở TP HCM tối 2/11, Thủ tướng nhấn mạnh: Thời cơ đang ở phía trước, để tranh thủ cơ hội phát triển, con tàu Việt Nam phải vững tay lái vượt qua gió mạnh, sóng cả đại dương để tiến lên.

Gala “Kết nối & Hội nhập” diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Kinh tế Đối ngoại 2016 do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Nhà Kinh tế Vương quốc Anh (Economist) phối hợp tổ chức. 

Hoan nghênh các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị, Thủ tướng cho biết, sau 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. 

“Ngày nay con tàu kinh tế Việt Nam đang tiến ra biển lớn của kinh tế toàn cầu với độ mở của nền kinh tế ngày càng cao”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết, phù hợp với xu thế vận động chung của toàn cầu, Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển dựa trên sức cạnh tranh, lợi thế so sánh; tích cực hội nhập, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường năng lực để tham gia các công đoạn có giá trị gia tăng cao. Nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế.

“Thời cơ đang ở phía trước, để tranh thủ cơ hội phát triển, con tàu Việt Nam phải vững tay lái vượt qua gió mạnh, sóng cả đại dương để tiến lên. Chính phủ Việt Nam sẽ vững tin, quyết tâm đổi mới chính mình, tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng khẳng định và nhấn mạnh, sẽ tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp, coi thành công của doanh nghiệp như là thành công của Chính phủ.


Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ chú trọng kiến tạo khung khổ thể chế pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường, điều kiện Việt Nam và tương thích với các cam kết hội nhập, thông lệ quốc tế. Chính phủ quản lý các mặt đời sống kinh tế-xã hội theo pháp luật một cách chủ động, hiệu lực, hiệu quả với tầm nhìn dài hạn và chính mình cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật.

Đồng thời, Chính phủ nỗ lực hành động để tạo dựng các yếu tố nền tảng của môi trường đầu tư kinh doanh như xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực, giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô, chú trọng bảo đảm quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh lành mạnh,... để doanh nghiệp, người dân vững niềm tin, phát huy nội lực, sức sáng tạo trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.

“Chính phủ gần với người dân và doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu lực, hiệu quả, chất lượng công tác quản lý nhà nước của mình”, Thủ tướng nói và cho biết, sau khi Hiệp định TPP, FTA Việt Nam - EU và toàn bộ các FTA đang đàm phán có hiệu lực đầy đủ, môi trường pháp luật, kinh doanh Việt Nam trở nên ngày càng hoàn thiện theo cơ chế thị trường. 

Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do ưu đãi cao với thị trường rộng lớn của 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên phát triển của G-20. Đây là cơ hội mở ra không gian rộng lớn cho phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam, đồng thời các nhà đầu tư nước ngoài đến kinh doanh tại Việt Nam có thể tiếp cận thuận lợi với những thị trường rộng lớn này.

Thủ tướng hy vọng qua Hội nghị này, các đại biểu, các doanh nghiệp sẽ hiểu thêm về chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển, hội nhập của Việt Nam và tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư thuận lợi.

Năm 2015, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam đạt gần 330 tỷ USD, bằng 1,5 lần GDP. Có hơn 21.000 dự án đầu tư FDI đang hoạt động với số vốn cam kết gần 300 tỷ USD; đóng góp của khu vực FDI vào GDP ngày càng tăng, năm 2015 đạt hơn 20%.

Việt Nam đã ký kết, tham gia 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm cả các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao như TPP,  FTA với 28 nước EU và đang đàm phán một số FTA khác. Môi trường kinh doanh Việt Nam đã tiến bộ một bước đáng kể, theo Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu của WB mới công bố, Việt Nam xếp thứ 82/190, tăng 9 bậc. 

Tuy vậy, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam có dân số đứng thứ 14 nhưng quy mô GDP chỉ đứng thứ 48 trên thế giới.

Đọc thêm