Còn tình trạng không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân

(PLVN) - Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 14/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo.

Trình bày Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH Dương Thanh Bình cho biết, so với giai đoạn 2011-2016, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2% nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm 16,1%.

Tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp Trung ương.

Theo báo cáo, nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là do văn bản pháp luật và công tác quản lý chưa theo kịp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, yếu kém; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại còn hạn chế nên khiếu nại, tố cáo không đúng.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa được quan tâm và thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân; thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong giải quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Việc quy định quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với Quyết định hành chính giải quyết tranh chấp đất đai chưa thực sự có hiệu quả để xác định điểm dừng của việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại…

Trưởng Ban Dân nguyện đánh giá việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua bước đầu giám sát nổi lên một số tồn tại, hạn chế, trong đó có trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, nhất là cấp huyện còn nhiều thiếu sót, hạn chế. Việc thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến việc thực hiện vai trò của người bị kiện là người đứng đầu cơ quan hành chính, người đứng đầu các Sở, ngành làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của tòa, đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện…

Thời gian tới, để hoạt động giám sát đảm bảo tính khách quan, thực tiễn, Đoàn giám sát dự kiến thành lập 2 Đoàn giám sát tại 5 tỉnh, TP bao gồm Hà Nội, Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kiên Giang là các địa phương có công dân khiếu nại đông người, phức tạp; có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai; về quản lý và vận hành nhà chung cư thương mại; về thực hiện chính sách đối với người có công; về việc thực hiện chuyển đổi chợ dân sinh thành các Trung tâm thương mại (kể cả việc xây dựng lại chợ)… Ngoài các nội dung báo cáo theo đề cương chung, Đoàn giám sát tổ chức 8 buổi làm việc với 8 Bộ ngành bao gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp; Bộ Công an; Thanh tra Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tại phiên họp, UBTVQH khẳng định đây là chuyên đề rất quan trọng, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Nội dung giám sát trực tiếp điều chỉnh bởi 3 luật bao gồm Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo nhưng nội hàm liên quan đến nhiều bộ luật khác về đời sống, kinh tế, xã hội. Do đó, việc giám sát phải đảm bảo tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; làm đến nơi đến chốn, kiến nghị xử lý được những tồn tại, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện và kiến nghị sửa đổi các văn bản luật.

Cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả giám sát bước đầu, UBTVQH đề nghị Đoàn giám sát khẩn trương triển khai các công việc tiếp theo để bảo đảm tiến độ, kết luận giám sát đạt kết quả cao nhất, nhất là chuẩn bị báo cáo bước đầu đầy đủ. Trong đó, UBTVQH đề nghị Thường trực Đoàn giám sát, Ban Dân nguyện rà soát để làm rõ những ưu, khuyết điểm nổi bật cũng như nguyên nhân của những ưu, khuyết điểm này, với trọng tâm xoay quanh vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật và sử dụng đội ngũ cán bộ; làm rõ vì sao có khiếu kiện đông người…

Để chuẩn bị cho phiên họp tiếp theo của Đoàn giám sát, UBTVQH đề nghị Đoàn giám sát làm việc với Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để có được bức tranh tổng thể về tình hình trước khi làm việc với các địa phương

Đọc thêm