Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013: Tái định vị vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị

(PLVN) - Dự thảo sửa đổi Điều 9 Hiến pháp năm 2013 xác định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) là một bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, TS Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQVN cho rằng, quy định này không chỉ nâng tầm địa vị pháp lý của MTTQVN mà còn đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động và trách nhiệm chính trị trong giai đoạn phát triển mới.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Khẳng định rõ địa vị pháp lý của MTTQVN

Thưa bà, trong Hiến pháp 2013, MTTQVN được xác định là “cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”. Nay dự thảo sửa đổi Điều 9 đã chuyển thành “bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Bà nhìn nhận sự thay đổi về cách diễn đạt này có hàm ý gì về vai trò, vị thế và trách nhiệm chính trị của Mặt trận trong kỷ nguyên mới?

- Việc dự thảo sửa đổi Điều 9 Hiến pháp xác định MTTQVN là “một bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” đã thể chế hóa rõ hơn nội dung Cương lĩnh chính trị năm 2011 và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Cương lĩnh đã khẳng định: “MTTQVN là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận”. Văn kiện Đại hội XIII cũng nêu rõ phương thức: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”.

Như vậy, quy định mới này không chỉ khẳng định rõ địa vị pháp lý của MTTQVN là một trong ba bộ phận cấu thành hệ thống chính trị, mà còn nhấn mạnh vai trò trung tâm, liên kết giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đây là sự khẳng định mạnh mẽ về vai trò rất quan trọng của MTTQVN trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; chăm lo đời sống đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức công dân và thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Nâng cao vai trò của MTTQVN trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội là một yêu cầu khách quan có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định chính trị xã hội của đất nước. MTTQVN với việc nâng cao địa vị pháp lý trong Hiến pháp sẽ ngày càng khẳng định vị thế, tính chất của “liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng lớn”, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo đồng thuận xã hội, thắt chặt mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước, động viên Nhân dân phát huy quyền làm chủ, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động cách mạng, khơi thông và phát huy mọi nguồn lực trong Nhân dân để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước bền vững, toàn diện, vì một xã hội ấm no, hạnh phúc, văn minh.

Kỳ vọng mới, trách nhiệm lớn

Nếu MTTQVN được xác định là một bộ phận của hệ thống chính trị, bên cạnh Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác, thì liệu có đồng nghĩa với việc Mặt trận cũng phải “gánh vác” trách nhiệm chính trị tương xứng, đặc biệt trong các vấn đề giám sát quyền lực, phản biện xã hội và phản ánh ý chí Nhân dân? Theo bà, điều này sẽ đặt ra yêu cầu đổi mới nào trong cách thức hoạt động của Mặt trận hiện nay?

- Thực hiện phương thức “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ” được ghi nhận tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ phải gánh vác những nhiệm vụ chính trị tương xứng. Điều này đòi hỏi Mặt trận phải tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Với mô hình tổ chức mới, MTTQVN sẽ chủ trì hiệp thương, thống nhất hành động trong toàn hệ thống, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên để vận động hội viên, đoàn viên thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt tình hình, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh hoạt động tiếp xúc, đối thoại, đặc biệt với đồng bào các dân tộc, tôn giáo, kiều bào để phát huy sức mạnh của cộng đồng, qua đó củng cố niềm tin và sự gắn bó mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát và phản biện xã hội theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan; mang tính xây dựng. MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung giám sát các chủ trương, chính sách lớn, ưu tiên những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

Đặc biệt, phải tăng cường giám sát việc thực hiện các kiến nghị của cử tri và Nhân dân, cũng như công tác tu dưỡng đạo đức, lối sống của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên; công khai, minh bạch kết quả giám sát, phản biện theo quy định, đồng thời phát huy vai trò trực tiếp của Nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đối với việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, đặc biệt đối với lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đền bù giải tỏa mặt bằng xây dựng các công trình, dự án; các vấn đề liên quan đến quyền dân chủ của Nhân dân.

Về nguyên tắc “hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động”, trong bối cảnh sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, Mặt trận cần giữ vai trò chủ trì, định hướng toàn bộ hoạt động cho cả hệ thống, các tổ chức thành viên xây dựng chương trình hành động thống nhất, huy động hiệu quả mọi nguồn lực. Đồng thời, mỗi tổ chức cần phát huy sự chủ động, sáng tạo, bám sát tôn chỉ, nhiệm vụ đặc thù, linh hoạt trong phương pháp triển khai để bảo đảm các hoạt động phản ánh đúng bản sắc, vai trò và sứ mệnh của từng tổ chức thành viên trong tổng thể hệ thống Mặt trận.

Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động

Từ những sửa đổi đang được đề xuất tại Điều 9 Hiến pháp, bà kỳ vọng gì vào sự chuyển biến thực chất trong vai trò của MTTQVN? Theo bà, Mặt trận cần làm gì để phát huy hiệu quả vị trí mới này, đặc biệt trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và thúc đẩy dân chủ ở cơ sở?

- Những sửa đổi đang được đề xuất tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013 không chỉ tiếp nối truyền thống lịch sử về vị thế, vai trò, sứ mệnh của MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội, mà còn thể hiện bước chuyển mình mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Để phát huy hiệu quả vị trí mới này, cần tập trung thực hiện những nội dung sau:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ và yêu cầu của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của MTTQ theo Đề án đã được Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua. Cần bảo đảm bộ máy tổ chức sau sắp xếp, sáp nhập (cả Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập và tổ chức ở hai cấp gồm cấp tỉnh, cấp xã) sớm đi vào hoạt động, không gây sự xáo trộn lớn ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của MTTQVN.

Thứ hai, MTTQVN phải thực sự phát huy vai trò “nhạc trưởng”, vai trò “chủ trì”, định hướng hoạt động của cả hệ thống MTTQ; tăng cường các biện pháp huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm chung của MTTQ và các đoàn thể sau sắp xếp; bảo đảm mọi nhiệm vụ được thực hiện đồng bộ, thông suốt, hiệu quả, để Nhân dân thực sự có “người đại diện” xứng tầm, trách nhiệm cao, đủ năng lực và trách nhiệm để bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Thứ ba, tăng cường hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động của các tổ chức thành viên của Mặt trận dưới sự chủ trì của MTTQ, đồng thời phải tôn trọng và phát huy sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức và phương thức hoạt động của mỗi thành viên; lựa chọn trúng và đúng những nhiệm vụ trọng tâm và có sự thống nhất cao trong phân công chủ trì, phối hợp thực hiện; tiếp tục đổi mới hình thức tập hợp, vận động Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới; thực hiện có hiệu quả dân chủ ở cơ sở, bảo đảm mọi vấn đề được tháo gỡ, giải quyết từ cơ sở và phát huy tinh thần tự quản, xây dựng cơ sở ngày càng vững mạnh.

Thứ tư, phải lựa chọn, chắt lọc để tiếp tục xây dựng, củng cố đội ngũ những người làm công tác Mặt trận, đoàn thể có năng lực vận động, tập hợp Nhân dân, tâm huyết, tận tâm, tận lực với Nhân dân, sâu sát, nắm rõ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết, vì Nhân dân mà hành động. Xây dựng và sử dụng hiệu quả đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong mọi lĩnh vực, thành viên của các hội đồng tư vấn của MTTQ trong các nhóm nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giám sát và phản biện xã hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến và kiến nghị của cử tri và Nhân dân, vận động xã hội...

Thứ năm, bảo đảm tăng cường sự phối hợp của MTTQVN với các cơ quan, tổ chức có liên quan, bảo đảm có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho MTTQVN sau sắp xếp thực hiện hiệu quả các quyền, trách nhiệm của Mặt trận. MTTQVN mở rộng giao lưu, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm công tác Mặt trận và đoàn thể với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, tạo điều kiện để học hỏi kinh nghiệm và năng lực ứng phó với các vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động của MTTQVN.

Trân trọng cảm ơn bà!

Đọc thêm