Con vắt sống trong hốc mũi bé gái suốt 10 ngày

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước đó khoảng 10 ngày, bé được đưa đi dã ngoại và có tắm suối cùng gia đình, 8 ngày sau, bé bắt đầu gặp phải tình trạng chảy máu mũi trái rỉ rả nhiều đợt.
Con vắt khi được các bác sĩ lấy ra khỏi hốc mũi bé gái. Ảnh: BVCC
Con vắt khi được các bác sĩ lấy ra khỏi hốc mũi bé gái. Ảnh: BVCC

Ngày 9/3, ThS.BS.CK1 Nguyễn Minh Trung, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận một bé gái 13 tháng tuổi trú tại Bình Thuận trong tình trạng quấy khóc và chảy máu 1 bên mũi trái hiện cầm.

Trước đó khoảng 10 ngày, bé được đưa đi dã ngoại và có tắm suối cùng gia đình, 8 ngày sau, bé bắt đầu gặp phải tình trạng chảy máu mũi trái rỉ rả nhiều đợt. Gia đình phát hiện sinh vật lạ lấp ló trong mũi trái của bé nên đưa bé đi khám ở phòng khám tư. Tại đây bé được bác sĩ nội soi phát hiện có con vắt trong mũi trái tuy nhiên không lấy ra được, sau đó bác sĩ khuyên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để lấy dị vật.

Bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu tối 24/2/2024 trong tình trạng tỉnh táo, sinh hiệu ổn, chảy máu mũi trái hiện cầm, có dị vật động đậy ở cửa mũi trái sau đó chui vào trong hốc mũi.

Bác sĩ trực cho biết vì bé còn quá nhỏ, chưa hợp tác tốt nên việc nội soi ngay lúc này là khá khó khăn. Do đó ekip quyết định lên kế hoạch gây mê phẫu thuật nội soi lấy dị vật.

Sau khi đã giải thích rõ cho người nhà về tình trạng của bé cũng như các nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình gây mê phẫu thuật, bé được làm bộ xét nghiệm tiền mê khẩn và chuẩn bị chuyển phòng mổ. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi bằng optic 0 độ và lấy con vắt ra khỏi mũi bé.

Qua kiểm tra bác sĩ nhận định không có tổn thương nghiêm trọng và niêm mạc mũi của bé vẫn được bảo tồn. Nhờ sự khẩn trương của cả ekip mà chưa có cấu trúc quan trọng nào bị tổn hại và không có tai biến hay biến chứng nguy hiểm nào xảy ra. Sau mổ tình trạng bé ổn định, chơi và bú bình thường.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Trung, dị vật sống (vắt, đỉa,…) rất nguy hiểm, nếu để lâu trong mũi có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, mất máu,… Nghiêm trọng hơn, chúng có thể chui vào các cấu trúc khó tiếp cận như các xoang cạnh mũi, chui xuống họng thanh quản gây ho, khó thở. Do đó việc phát hiện và loại bỏ sớm dị vật sống là cực kì quan trọng.

"Phụ huynh cần hiểu rõ về các loại dị vật và đưa bé đi khám ngay khi nghi ngờ có dị vật mũi như chảy máu mũi, chảy mũi hôi một bên. Ngoài ra cũng cần hạn chế cho các bé tắm rửa hay uống trực tiếp nước từ sông suối để tránh vắt, đỉa xâm nhập vào cơ thể", bác sĩ Trung nhấn mạnh.

Đọc thêm