Vụ án chấn động vùng quê nghèo
Thôn 7c xã Hiao (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) nằm trải dài men theo những dãy núi cách trung tâm huyện Ea Hleo khoảng 30km. Làng Tày thuộc thôn 7c có hơn 100 hộ dân chủ yếu là người đồng bào Tày, Nùng. Từ trước đến nay, mọi người trong làng sống với nhau rất hòa thuận, quanh năm chỉ biết gắn với miếng rẫy mảnh vườn, nếu có xích mích cũng chỉ giải quyết tình cảm giữa các bên.
Vậy nhưng chiều tối ngày 21/10/2013, khi mọi người đang chuẩn bị nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả thì bất ngờ hay tin hai đứa trẻ trong làng là Hà Cao Quý (SN 2000) và Hà Cao Nguyên (SN 2003) bị kẻ thủ ác ra tay sát hại một cách dã man. Nhận được thông tin, Công an huyện Ea H’Leo lập tức vào cuộc truy tìm hung thủ, nhanh chóng trấn an người dân.
Sau năm ngày điều tra, hung thủ được xác định là Vi Bá Ngoạt (là bác họ của hai nạn nhân). Ngoạt bị bắt khi đang lẩn trốn tại nhà người quen thuộc xã Ea Kênh huyện Krông Pắk, Đắk Lắk. Ngày 23/6/2014, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xét xử lưu động vụ án từng gây chấn động và hoang mang cả một vùng.
Theo lời khai của Ngoạt, khoảng 6h ngày 21/10/2013, sau khi đẩy xe cà phê giùm vợ ra chợ bán. Khi về Ngoạt đi qua nhà em dâu. Thấy con vịt xiêm đang chạy dưới chòi hắn liền nảy ra ý định bắt trộm về làm mồi nhậu. Nghĩ là làm, Ngoạt bắt con vịt xiêm bẻ gãy cổ cho chết rồi đi xuống bếp tìm bao để đựng.
Không ngờ hành vi trộm cắp của Ngoạt bị em Nguyên phát hiện. Từ bàn học Nguyên chạy ra, thò đầu qua cửa sổ của căn chòi và nói sẽ mách với người lớn chuyện này. Khi nghe thấy vậy Ngoạt buông lời đe dọa: “mày mà nói với ai tao giết”. Sợ hãi trước lời đe dọa của bác, Nguyên bỏ chạy vào trong chòi.
Ngoạt tiếp tục đi vào trong chòi rồi dùng bao đánh vào đầu Nguyên để đe dọa. Thấy Nguyên kêu khóc sợ mọi người phát hiện nên Ngoạt quay lại bếp vơ lấy cây rìu bổ củi rồi quay lại chòi, dùng rìu đập vào đầu Nguyên khiến em tử vong tại chỗ. Anh của Nguyên là Quý đang nằm ngủ trên giường nghe thấy tiếng động thì giật mình tỉnh dậy.
Vốn bị bệnh đao (hạn chế về thần kinh – PV) nên Quý chỉ ú ớ được vài tiếng thì cũng bị Ngoạt dùng rìu hành hung dẫn tới tử vong. Sau khi gây án, Ngoạt vất hung khi ra sau vườn rồi ung dung về nhà hái cà, tắm rửa, ăn cơm. Khi vụ án bị phát hiện, Ngoạt tỏ ra quan tâm, chia sẻ với gia đình nạn nhân nhằm mục đích nghe ngóng tình hình. Đến tối, hắn ta khăn gói, bắt xe trốn lên nhà người quen ở huyện Krông Pắk.
Khi biết được động cơ đê hèn của Ngoạt dẫn tới cái chết thương tâm của hai anh em Nguyên – Quý, dân làng không khỏi xót xa và phẫn uất. “Thật không thể tin được, chỉ vì con vịt xiêm mà hắn ra tay tàn độc đến như vậy” một người dân bất bình. Xét thấy hành động của Ngoạt mất nhân tính cần phải loại bỏ khỏi xã hội nên TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên Ngoạt với mức án tử hình.
mẹ hai nạn nhân đang chia sẻ với phóng viên. |
Người phụ nữ bất hạnh
Tới xã Hiao hỏi nhà chị Triệu Thị Bài không ai là không biết. Tất cả đều lắc đầu ái ngại, cảm thông và thương xót cho hoàn cảnh của chị. “Nhà đó khổ lắm, nghèo nhất xã đã thế lại cưới phải người chồng nghiện rượu rồi tai nạn giao thông, anh ta cũng mới chết được gần 2 tháng nay. Hai năm trước thì hai đứa con bị bác họ đánh chết”, một người dân cho hay.
Sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nghèo dưới chân núi. Cuộc sống của chị Bài cứ thế êm đềm trôi như bao thiếu nữ Nùng khác. Đến năm 16 tuổi, dù nhận được nhiều ánh mắt để ý của các trai làng nhưng trái tim chị đã trao trọn cho người con trai hàng xóm. Đám cưới diễn ra trong sự hân hoan của đôi bên họ hàng.
Niềm vui như được nhân lên khi lần lượt 2 đứa con trai ra đời. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với chị nhưng từ khi hạ sinh đứa con thứ 2, người chồng lại sinh tật rượu chè đàn đúm. Dù gia đình là một trong những hộ nghèo nhất xã nhưng người chồng lại không chí thú làm ăn, có bao nhiêu tiền đều đổ hết vào “tửu”, khi hết tiền lại về ngửa tay xin vợ. Nếu chị không cho thì quay sang đánh đập quấy phá.
Đã thế hai đứa trẻ ra đời khiến kinh tế đã khó khăn lại càng thêm kiệt quệ. Cho dù chị Bài có làm quần quật cả ngày cũng không đủ tiền cho 4 miệng ăn. Rồi chồng chị bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông sau một lần đi uống rượu với bạn bè. Tiền nuôi con, tiền nuôi chồng bệnh tật.
Chị Bài nói trong nước mắt: “Thương hai đứa nhỏ, từ lúc sinh ra đã phải ở trong căn nhà dột nát. Cách đây gần 3 năm, mình gom góp định xây ngôi nhà khang trang cho các con ở thì ai ngờ bị kẻ thủ ác cướp đi mạng sống. Vậy là, đến cái lúc chết, các cháu vẫn chưa được một ngày ở trong căn nhà tử tế”.
Chi Bài cũng cho biết thêm, sau khi Ngoạt gây chuyện động trời, do cảm thấy xấu hổ với bà con dân làng nên cả gia đình hắn đã chuyển đi nơi khác sinh sống và cũng chưa có một lần nào quay lại để thăm hỏi, động viên gia đình chị.
Nhớ con chỉ biết lấy ảnh ra ngắm
Khi tìm tới ngôi nhà nhỏ gần 40m2, tiếp chuyện tôi là người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ, nước da sạm đi vì nắng gió. Mỗi lần nhắc tới chuyện hai đứa con bị sát hại chị lại không sao kìm được nước mắt. Mọi việc dường như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua.
“Như thường ngày, tôi đi làm từ sớm thì gặp vợ chồng Ngoạt đẩy xe cà phê đi bán, tôi còn đẩy giùm vợ chồng ông ta nữa. Ai ngờ đâu chính Ngoạt lại là người ra tay sát hại con của tôi. Con cái là của trời cho mình. Mất con tôi như đứt từng khúc ruột, nói gì tới mất hai đứa cùng lúc.
Khi chứng kiến cảnh công an dựng lại hiện trường, tai tôi như ù đi. Thật không thể tin nổi, Ngoạt cũng có con cái mà. Sao lại ra tay tàn độc như vậy?”, người mẹ kể.
Theo phong tục của người Nùng, những ai chết trẻ đều được gửi cửa Phật, sau đó không cần thờ cúng hay làm đám giỗ. Nhắc tới hai đứa con tội nghiệp, người phụ nữ lấy hai chiếc ảnh của hai đứa trẻ mà chị vẫn để ở đầu giường ra ngắm, chị nói:
“Mỗi đêm trước khi đi ngủ, mình lại lấy ảnh các con ra ngắm. Từ khi con mất, lắm lúc mình cứ tự trách bản thân. Chỉ vì nhà khổ quá nên hàng ngày mình đi làm cứ để hai đứa trẻ tự ở nhà trông nhau. Giá như mình được ở bên con, giá như mình không để con ở nhà một mình thì con mình không mất mạng một cách oan nghiệt như vậy”.
Nói rồi người phụ nữ vốn chịu nhiều đau khổ òa khóc tu tu như một đứa trẻ. Có lẽ, nỗi đau ấy, chị đã kìm nén trong lòng quá lâu rồi. Những giọt nước mắt trộn lẫn giọt nước mưa đầu mùa trên gương mặt của người mẹ bất hạnh không khỏi khiến cho người viết bài thấy cay nơi sống mũi.
Cho dù kẻ thủ ác đã phải đền tội trước pháp luật, nhưng nỗi đau để lại thì chưa biết khi nào mới nguôi ngoai trong lòng những người còn sống.