Qua thực tế đấu tranh của Công an TP cho thấy số vụ xử lý hình sự tội môi trường không nhiều, chủ yếu khởi tố theo Điều 244 BLHS tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”; mới xử lý hình sự duy nhất 1 vụ theo Điều 235 tội “Gây ô nhiễm môi trường”. Ngoài ra, thiếu chế tài cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt hành chính. Năm 2023, Công an TP tham mưu Chủ tịch UBND TP ra quyết định xử phạt 1 Cty hơn 400 triệu đồng, đến nay DN này chưa chấp hành, chưa nộp phạt…
Theo văn bản, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, tội phạm về môi trường tuy không quá bức xúc về quy mô, mức độ ảnh hưởng; nhưng tiềm ẩn trên nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong khi các yếu tố môi trường có tính chất “cộng hưởng” dẫn tới ô nhiễm môi trường nước, không khí trên địa bàn vẫn ở mức báo động, gây bức xúc trong dư luận. Trong hơn 1 năm qua, công an chủ động phối hợp các ngành chức năng xử lý hơn hơn 200 vụ vi phạm hành chính về môi trường trên địa bàn TP.
Công an TP đã chủ động tham mưu cho Bộ Công an, UBND TP một số biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn như: Kiến nghị Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; kiến nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo tăng cường kiểm tra công tác xử lý nước thải phát sinh từ các cơ sở y tế; giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sông cầu Bây; tăng cường phòng ngừa, xử lý tình trạng đổ chất thải xây dựng trái phép, gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương, ban, ngành, nếu để xảy ra tình trạng đổ thải trái quy định…
Để ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm môi trường, theo Công an Hà Nội, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; tích cực, chủ động, tăng cường thanh, kiểm tra. Lực lượng thanh tra chuyên ngành cần quan tâm, kiểm tra xử lý các hành vi gây ô nhiễm nhiều hơn nữa.