Bỏ quy định giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 46/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11.
Cụ thể, nếu hiện nay điều 11 Thông tư 67/2019 quy định người dân được thực hiện giám sát hoạt động của lực lượng CSGT thông qua việc ghi âm, ghi hình (có điều kiện) thì tại Thông tư 46/2024, Bộ Công an đã bỏ quy định này.
Theo đó, từ ngày 15/11, người dân được giám sát thông qua 5 hình thức: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Việc giám sát của Nhân dân phải đảm bảo các điều kiện: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ; không được vào khu vực thực thi công vụ quy định, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan; tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Quy định mới về lãi suất tiền gửi
Từ ngày 20/11, một loạt nội dung mới về lãi suất được quy định tại các thông tư do Ngân hàng Nhà nước ban hành có hiệu lực.
Thông tư 46/2024 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nêu rõ: "Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ không vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ đối với tiền gửi của tổ chức và tiền gửi của cá nhân".
Thông tư 47/2024 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi hình thức tiền gửi rút trước hạn từ chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành thành "chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành".
Thông tư 48/2024 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó nêu rõ lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam không vượt quá lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn dưới 1 tháng, có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng trong từng thời kỳ và từng loại hình tổ chức tín dụng.
Cần có đủ tiền khi đặt lệnh giao dịch mua cổ phiếu
Từ ngày 2/11, Thông tư 68/2024 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán yêu cầu cần có đủ tiền khi đặt lệnh giao dịch mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
Để thực hiện giao dịch, công ty chứng khoán đánh giá rủi ro thanh toán của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua cổ phiếu. Nếu nhà đầu tư này không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán còn thiếu tiền sẽ được chuyển cho công ty chứng khoán nơi tổ chức này đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh.
Trong đó, trường hợp ngoại lệ là ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức mở tài khoản lưu ký chứng khoán chịu trách nhiệm thanh toán giao dịch thiếu tiền cùng các chi phí khác nếu có khi xác nhận sai số dư tiền gửi của nhà đầu tư này với công ty chứng khoán dẫn đến thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu.
Công ty chứng khoán được chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán hoặc bán thỏa thuận trên hệ thống giao dịch chứng khoán với số cổ phiếu đã chuyển về tài khoản tự doanh cho nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức thiếu tiền thanh toán mua cổ phiếu.
Thời gian chuyển quyền chậm nhất vào ngày giao dịch liền kề sau ngày cổ phiếu được hạch toán vào tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán và đảm bảo không làm vượt quá hạn mức tối đa về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật đối với cổ phiếu đó.
Phạt tới 30 triệu đồng khi xúc phạm danh dự người có thẩm quyền tố tụng
Có hiệu lực từ ngày 15/11, Nghị định 117/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Về hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư, so với Nghị định 82/2020, nghị định mới bổ sung quy định phạt tiền 15 - 30 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Đối tượng bị xử phạt là tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam...
Đối với hành vi nêu trên, nghị định bổ sung việc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 6 tháng đến 9 tháng.
Phạt đến 5 triệu đồng nếu không chứng thực đủ chữ ký trong văn bản
Nghị định 117/2024 của Chính phủ quy định nếu không chứng thực đầy đủ chữ ký của tất cả những người đã ký trong văn bản yêu cầu chứng thực chữ ký sẽ bị phạt tiền 3 - 5 triệu đồng. Đồng thời, đây cũng là mức phạt cộng tác viên dịch thuật không đăng ký lại chữ ký mẫu khi có thay đổi.
Với hành vi vi phạm về chứng thực hợp đồng, giao dịch, khoản 32 Điều 1 Nghị định 117 sửa đổi biện pháp khắc phục hậu quả là phải nộp lại bản chính giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trừ trường hợp bản chính đã bị tịch thu tang vật.
Trong khi đó, Nghị định 82/2020 chỉ quy định kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.
Quy định mới về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với phạm nhân
Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Trong đó, Nghị định quy định rõ các chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với phạm nhân.
Phạm nhân được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 17 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 1 kg thịt lợn; 1 kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; gia vị khác (tương đương 0,5 kg gạo tẻ); chất đốt (tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than).
Nghị định nêu rõ, lương thực, thực phẩm, chất đốt bảo đảm chất lượng và có mức giá trung bình theo thời giá thị trường tại địa phương.
Phạm nhân lao động thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật thì định lượng ăn được tăng thêm nhưng tổng mức ăn không quá 2 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định trên, phạm nhân được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không quá 3 lần định lượng ăn trong 1 tháng cho mỗi phạm nhân và phải thông qua hệ thống lưu ký và căng-tin phục vụ sinh hoạt cho phạm nhân của cơ sở giam giữ.
Nghị định cũng quy định chế độ mặc và tư trang của phạm nhân.
Cụ thể, phạm nhân được cấp: 2 bộ quần áo dài bằng vải thường theo mẫu thống nhất/năm; 2 bộ quần áo lót/năm; 2 khăn mặt/năm; 2 chiếu cá nhân/năm; 2 đôi dép/năm; 1 mũ (đối với phạm nhân nam) hoặc 1 nón (đối với phạm nhân nữ)/năm; 1 áo mưa nilon/năm; 4 bàn chải đánh răng/năm; 600 g kem đánh răng/năm; 3,6 kg xà phòng/năm; 800 ml dầu gội đầu/năm; 1 màn/3 năm; 1 chăn/4 năm (từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc và 5 tỉnh Tây Nguyên cấp chăn bông có vỏ nặng không quá 2 kg, các tỉnh còn lại cấp chăn sợi); 1 áo ấm/3 năm (cấp từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc và 5 tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại không cấp).
Phạm nhân nữ được cấp đồ dùng cần thiết cho vệ sinh cá nhân tương đương 2 kg gạo tẻ/người/tháng.
Phạm nhân tham gia lao động, học nghề mỗi năm được phát 2 bộ quần áo bảo hộ lao động và dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết khác.
Nghị định số 118/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11.
Điều kiện thành lập hội
Theo Nghị định 126/2024/NĐ-CP, việc thành lập hội từ ngày 26/11/2024 phải đảm bảo các điều kiện: Tên gọi của hội phải đảm bảo các điều kiện: Viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; tên gọi riêng của hội có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật; phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội; không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó; không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.
Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động. Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật. Có điều lệ, trừ hội quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định này. Có trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này.
Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác, như hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có ít nhất 100 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 50 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; hội hoạt động trong phạm vi huyện có ít nhất 20 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; hội hoạt động trong phạm vi xã có ít nhất 10 tổ chức, công dân tại đơn vị hành chính cấp xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; Hiệp hội của các tổ chức kinh tế hoạt động trong phạm vi toàn quốc có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có ít nhất 11 đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 05 đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.
Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội.
Nghị định 126/2024/NĐ-CP nêu rõ tổ chức, công dân Việt Nam có nhu cầu thành lập hội phải thành lập ban vận động thành lập hội (trong đó dự kiến trưởng ban, phó trưởng ban và các uỷ viên) theo quy định và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội.
Tăng trợ cấp quân nhân đã xuất ngũ
Thông tư 53/2024 của Bộ Quốc phòng về điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ có hiệu lực từ ngày 1/11.
Quy định áp dụng cho quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo chế độ với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội; quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp theo chính sách đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975.
Mức trợ cấp mới được tính theo công thức mức hưởng tháng 6/2024 nhân 1,15.
Chính sách hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Nghị định số 113/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2024, quy định nhiều chính sách của nhà nước về hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như: Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ thông tin; chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả; chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp...
Đối với chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cung cấp thông tin về pháp lý, kinh tế; khảo sát và nghiên cứu thị trường; thông tin dự báo, cảnh báo các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên Cổng thông tin quốc gia về hợp tác xã và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của hội, đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm, diễn đàn và hoạt động xúc tiến thương mại của bộ, ngành, địa phương tổ chức trong và ngoài nước; hỗ trợ kinh phí xây dựng chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc;
Hỗ trợ kinh phí áp dụng và chứng nhận các tiêu chuẩn để phát triển thị trường cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hợp đồng liên kết hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;
Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm và vận hành các điểm giới thiệu, bán sản phẩm tại các địa phương; hỗ trợ kinh phí xây dựng, triển khai, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nhà nước ưu tiên, hỗ trợ kinh phí tham gia chương trình sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị kinh tế, văn hóa, lợi thế của địa phương.
Nới điều kiện xây trường cho Hà Nội, TP HCM
Nghị định 125 hiệu lực từ 20/11 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Trường mầm non, phổ thông khi thành lập cần đáp ứng các điều kiện cơ bản về đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình giáo dục, nhân lực. So với trước, những tiêu chuẩn cụ thể như diện tích đất tối thiểu trên một học sinh, hay các thiết bị cần có cho hoạt động giáo dục đã được bãi bỏ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thay đổi này nhằm tạo ra sự linh hoạt, phù hợp với việc điều chỉnh chương trình giáo dục theo sự phát triển kinh tế xã hội.
Nghị định bổ sung tiêu chí về diện tích sàn, nêu rõ: Với khu vực nội thành của các đô thị đặc biệt, trường học có thể dùng diện tích sàn thay cho diện tích khu đất xây trường.
Hiện cả nước có hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM. Quy định này nhằm khắc phục phần nào hạn chế tại các khu vực đô thị có mật độ dân số cao, quỹ đất để xây trường ngày càng hạn hẹp.