Công bố 10 sự kiện pháp luật tiêu biểu năm 2015

(PLO) - Bình chọn “Sự kiện pháp luật” do Báo Pháp Luật Việt Nam tổ chức là một hoạt động truyền thông có ý nghĩa tích cực, nhằm lựa chọn những sự kiện có ý nghĩa tiêu biểu trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật, góp phần cổ vũ, tôn vinh các tổ chức và cá nhân có đóng góp tích cực đối với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN và cải cách tư pháp.
Hội đồng bình chọn công bố 10 sự kiện pháp luật tiêu biểu năm 2015
Hội đồng bình chọn công bố 10 sự kiện pháp luật tiêu biểu năm 2015
Ngày 28/12/2015, Hội đồng bình chọn Sự kiện pháp luật năm 2015 với các thành viên đại diện Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Toà án nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội và Báo Pháp Luật Việt Nam đã họp, thảo luận và thống nhất lựa chọn 10 sự kiện pháp luật tiêu biểu là “Sự kiện pháp luật năm 2015”. 
Báo Pháp Luật Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 10 Sự kiện pháp luật năm 2015 sau đây:
1. Chính phủ tổ chức thành công Cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp năm 2013. Năm 2015, Cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã thành công rực rỡ với gần 5 triệu bài dự thi của người dân khắp mọi miền Tổ quốc gửi về Ban Tổ chức cuộc thi các cấp, trở thành cuộc thi tìm hiểu có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. 
Cuộc thi được tổ chức rộng rãi trong cả nước, là một cuộc vận động, tuyên truyền và phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp năm 2013; làm lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong nhân dân; khẳng định tầm quan trọng và đánh giá cao những tinh thần đổi mới, nhân quyền, pháp quyền của Hiến pháp năm 2013. 
Cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp năm 2013 cũng là một hình thức sáng tạo trong việc đưa Hiến pháp, pháp luật vào cuộc sống của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần hình thành văn hoá pháp luật trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 
2. Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho phép chuyển đổi giới tính và lần đầu tiên pháp luật dân sự có quy định tòa án không được từ chối đơn khởi kiện của người dân vì lý do thiếu quy định của pháp luật. Các quy định trên thể hiện tính nhân văn, tinh thần cải cách tư pháp bảo vệ quyền con người. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Bộ luật Dân sự sửa đổi (Bộ luật Dân sự năm 2015) với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng, trong đó có quy định cho phép công dân được chuyển đổi giới tính phù hợp theo quy định của pháp luật và đăng ký lại giới tính sau khi đã chuyển đổi. 
Ngay sau khi Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được thông qua, nhiều người dân đã xuống đường bày tỏ sự cảm kích trước quyết định đầy nhân văn này của Quốc hội. Trong bối cảnh không phải nhiều nước trong khu vực châu Á thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, việc Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ luật Dân sự sửa đổi cho phép công dân được chuyển đổi giới tính là một bước thay đổi quan trọng trong tư duy lập pháp; hướng đến việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013. 
Quy định mới sẽ tạo điều kiện để một số công dân được chuyển đổi về giới tính thật của mình, theo nguyện vọng cá nhân được sống thật với bản thân. Với quy định này, Việt Nam trở thành một trong các quốc gia đầu tiên trong khu vực cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính.
3. Bộ luật Hình sự sửa đổi bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh. Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh, gồm: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394); Tội đầu hàng địch (Điều 399). 
Cùng với việc bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh trên, Điều 40 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đã quy định  không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên. 
Bên cạnh đó, điểm c khoản 3 Điều 40  cũng quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. 
Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với nhiều sửa đổi, bổ sung rất quan trọng theo tinh thần cải cách tư pháp nhằm góp phần bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là một bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo sự phù hợp với giai đoạn phát triển mới của Việt Nam sau Hiến pháp năm 2013. 
4. Quốc hội thay đổi hình thức chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, mọi thành viên của Chính phủ đều phải trả lời chất vấn và không giới hạn các vấn đề chất vấn. Việc thay đổi hình thức chất vấn và trả lời chất vấn đánh dấu những nỗ lực của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, để việc chất vấn và trả lời chất vấn không còn bị đánh giá là chưa hiệu quả, mang tính hình thức. Việc thay đổi hình thức chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 là tiền đề quan trọng để các kỳ họp của Quốc hội trong tương lai đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
5. Việt Nam hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và trước đó là Hiệp định kinh tế Á - Âu...
Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định có ý nghĩa lịch sử bởi không chỉ là một thỏa thuận đa phương có ý nghĩa tích cực đối với việc phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta, tạo động lực quan trọng để nước ta xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo các quyền căn bản của con người trong thời kỳ hội nhập. 
Việc hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP đã tạo ra môi trường kinh doanh nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Các hiệp định thương mại cũng trở thành “cú hích” quan trọng để Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta, tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập và phát triển.
6. Lần đầu tiên Quốc hội thực hiện phê chuẩn chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Thực hiện quy định mới của Hiến pháp năm 2013, để nâng cao vai trò, hiệu quả của công tác xét xử cũng như vị trí của hệ thống tòa án trong bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống tòa án đã được đổi mới về tổ chức và được tổ chức theo 4 cấp là Tòa án nhân dân Tối cao; các Tòa án nhân dân Cấp cao; các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tòa án nhân dân cấp huyện. 
Thay đổi quan trọng có tính đột phá trong lịch sử xây dựng và phát triển ngành tòa án là việc lần đầu tiên trong lịch sử ngành tòa án, chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao được dành cho một số thẩm phán được Quốc hội phê chuẩn. Các thẩm phán Tòa án Tối cao sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng pháp luật, án lệ, hướng dẫn áp dụng pháp luật để đảm bảo thống nhất việc áp dụng pháp luật, nâng hiệu quả của công tác tư pháp, xét xử. 
Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã có Nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử; khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, hoặc nhiều quy định của pháp luật còn chưa rõ, có những vấn đề chưa được pháp luật quy định cụ thể, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án.
7. Sự kiện Vinh danh Gương sáng Tư pháp do Báo Pháp Luật Việt Nam tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp để ghi nhận, biểu dương những cán bộ tư pháp nỗ lực vượt khó, phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp Tư pháp, góp phần đổi mới, phát huy sáng tạo, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao. 
Việc tổ chức bình chọn và vinh danh các cán bộ tư pháp có cống hiến đối với sự nghiệp tư pháp là sự kiện pháp luật quan trọng, đánh dấu vai trò của cơ quan truyền thông trong việc phát hiện, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng, thực hiện pháp luật; thể hiện sự ghi nhận và tri ân của ngành Tư pháp và xã hội đối với những cống hiến, đóng góp của đội ngũ cán bộ đối với nghề nghiệp và đối với công tác tư pháp.
8. Phản ứng linh hoạt của Chính phủ trong điều hành tỷ giá, chính sách tiền tệ và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã có tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô. Với việc ban hành, thực hiện các quyết định phù hợp trong chính sách tỷ giá, chính sách tiền tệ và tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, toàn nền kinh tế đã chuyển biến tích cực, ổn định và tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng cao so với mục tiêu đề ra.
9. Chế định Thừa phát lại được Quốc hội cho phép chính thức thực hiện trên phạm vi cả nước.
Việc chế định thừa phát lại được áp dụng trong phạm vi cả nước đánh dấu bước thành công của việc thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ công trong lĩnh vực Tư pháp. Việc áp dụng chế định Thừa phát lại trong cả nước sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác tư pháp và thi hành án trong thời gian tới.
10. Ông Huỳnh Văn Nén, người bị kết án oan 2 lần về tội danh giết người -  người tù thế kỷ - được giải oan.
Vụ việc ông Huỳnh Văn Nén được giải oan sau gần 18 năm ngồi tù là một sự kiện pháp luật gây chấn động trong dư luận cả nước, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc đấu tranh chống oan sai và minh oan cho người không phạm tội. 
Không chỉ các cơ quan tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm thực hiện việc minh oan cho công dân mà Quốc hội, các cơ quan thực hiện chức năng giám sát, các cơ quan báo chí, truyền thông đã đóng góp tích cực đối với việc đi tìm sự thật và công lý cho công dân. 
Việc ông Huỳnh Văn Nén được tuyên bố không phạm tội sau gần 18 năm chấp hành án đã bảo vệ được uy tín, niềm tin của người dân đối với việc thực hiện pháp luật và công lý, bảo vệ sự thật. Đồng thời vừa qua công tác bồi thường oan sai cho các công dân bị hàm oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được thực hiện nghiêm túc, nhân văn, bảo đảm quyền con người. 

Đọc thêm