Chương trình bình chọn do Báo Văn hóa - cơ quan ngôn luận của Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức dưới 2 hình thức bình chọn. Gần 70 nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đến từ hơn 50 cơ quan báo chí trung ương và địa phương bình chọn trực tiếp. Công chúng bình chọn trực tuyến trên Báo Văn hóa điện tử, Cổng thông tin của Bộ VH-TT&DL và Báo điện tử Tổ quốc. Ban tổ chức công bố 10 sự kiện tiêu biểu dựa trên 2 kết quả này.
Theo đó, dẫn đầu danh sách là sự kiện Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Chương trình có ý nghĩa quan trọng, tạo bước đột phá nhằm cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa, góp phần phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đứng thứ 2 là sự kiện Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực di sản văn hóa.
Sự kiện thứ 3 là Chính phủ ban hành 2 quy hoạch lớn về văn hóa, thể thao và du lịch, khơi thông nguồn lực, tạo dựng thêm nền tảng cho sự đột phá, phát triển của ngành: Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hai quy hoạch này được ban hành là dấu mốc quan trọng, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
|
Du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ (Ảnh Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động) |
Sự kiện thứ 4 là chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức.
Sự kiện thứ 5 là Việt Nam có thêm hai di sản được UNESCO ghi danh: “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” được đưa vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Sự kiện thứ 6 là Công nghiệp văn hóa đột phá với các chương trình có tầm vóc, sức thu hút và hiệu ứng xã hội lớn: Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, concert của các chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai", "Anh trai say hi", chương trình Jazz quốc tế lần thứ I - Nha Trang 2024, thành công của các bộ phim “Đào, Phở và Piano”, “Lật mặt”… đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Sự kiện thứ 7, 8, 9 đều thuộc lĩnh vực du lịch: Lần đầu tiên xúc tiến quảng bá du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ; Du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, đón khoảng 17 triệu khách du lịch quốc tế, 120 triệu lượt khách du lịch nội địa; Việt Nam đăng cai Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn của Tổ chức du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) năm 2024.
Sự kiện thứ 10 và cũng là sự kiện tiêu biểu duy nhất thuộc về lĩnh vực thể thao: Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương thế giới, lần thứ hai vô địch châu Á.