Có đến 11 trong số 21 tập đoàn (TĐ), Tổng công ty (TCT) nhà nước được kiểm toán hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay…Báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010 do Kiếm toán nhà nước (KTNN) công bố hôm qua - 18/7…
|
Tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản của TCty Xây dựng Trường Sơn lên đến 50,88%. |
Lỗ và nợ
Kết quả kiểm toán cho biết, có 19/21 TĐ, TCT được kiểm toán vẫn có lãi, tuy nhiên nhiều TĐ, TCT kết quả kinh doanh giảm mạnh so với năm 2009, một số TĐ, TCT bị lỗ.
Tính đến 31/12/2010, tổng nợ phải thu của 21 TĐ, TCT là 56.656 tỷ đồng, nợ phải thu trên tổng tài sản là 9,7% và trên vốn chủ sở hữu là 36,09%. Tại nhiều DN, tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản rất lớn như TCT Xây dựng Trường Sơn, tỷ lệ này là 50,88%, TCT Xây dựng đường thủy - 37,58%, TCT Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi - 31,13%, TCT tư vấn thiết kế GTVT - 24,37%, TCT HUD - 22,73%, TCT Xây dựng phát triển hạ tầng - 22,49%...
Thậm chí, có trường hợp nợ quá hạn và khó đòi phát sinh lớn như trường hợp TĐ HUD, nợ phải thu quá hạn trên 2 năm là 205,5 tỷ đồng, trên 3 năm là 158,7 tỷ đồng, tạm ứng có thời gian trên 2 năm là 15,63 tỷ đồng; TCT Máy động lực và máy nông nghiệp có nợ phải thu khó đòi 161,6 tỷ đồng; TCT Xây dựng Sài Gòn 55,3 tỷ đồng…
Không ít trường hợp DN “hào phóng” cho đơn vị khác và cá nhân vay vốn trong khi bản thân mình phải đi vay vốn để kinh doanh như trường hợp TCT Khoáng sản thuộc TĐ TKV cho Cty CP Đá quý và Vàng Hà Nội vay 3,4 tỷ đồng, Cty CP Gạch ngói gốm Tiền Giang vay 14,9 tỷ đồng; Cty HUD Kiên Giang cho cá nhân trong đơn vị vay, số dư đến 31/12/2010 là 2,99 tỷ đồng...
Báo cáo của KTNN cũng cho biết, 11/21 TĐ,TCT hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay, trong đó một số DN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số cao nên dễ gặp phải nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính, điển hình là TCT Truyền thông đa phương tiện - 4,12 lần, TĐ HUD - 4,01 lần, TĐ EVN - 3,83 lần, TCT Vinalines - 3,12 lần…; có DN huy động và sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất cân đối lớn về nguồn vốn như trường hợp Cty Điện lực Hải Phòng, trong năm 2009 - 2010, huy động và sử dụng vốn sai mục đích, phát sinh vượt so với kế hoạch nên không cân đối được nguồn vốn 300 tỷ đồng, đến 31/12/2010 số tiền mất cân đối là 191 tỷ đồng; có DN cổ đông chưa góp đủ vốn điều lệ như cam kết …
"Nóng" đầu tư ngoài ngành
Ông Lê Minh Khái - Phó Tổng KTNN - cho biết, mặc dù tỷ lệ đầu tư tài chính so với tổng tài sản, vốn điều lệ của các DNNN không lớn nhưng đa số TĐ, TCT có hoạt động đầu tư ngoài ngành, trong đó nhiều DN đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản và quĩ đầu tư... nên đã phần nào ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chính và nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao.
Dẫn đầu “phong trào” đầu tư ngoài ngành là Cty mẹ - TĐ TKV - 1.828,8 tỷ đồng (không bao gồm điện, năng lượng), bằng 12,09% vốn điều lệ; tiếp đến là Cty mẹ - TCT Vinalines - 672 tỷ đồng, bằng 10,37% vốn điều lệ; Cty mẹ - TĐ EVN 4.551,4 tỷ đồng, bằng 4,13% vốn điều lệ… Báo cáo kiểm toán cũng cảnh báo một số đơn vị có tổng mức đầu tư ra ngoài công ty nhà nước vượt quá mức vốn điều lệ, chưa tuân thủ qui định Điều 12, Nghị định số 09/2009/NĐ - CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ và Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 05/8/2010 của Bộ Tài Chính như trường hợp Cty mẹ - TCT Cơ điện xây dựng Nông nghiệp và Thuỷ lợi, Cty TNHH NN MTV Du lịch Dịch vụ Hà Nội - TCT Du lịch Hà Nội...
“Luật không cấm đầu tư ngoài ngành, nếu thực hiện đúng trình tự, đúng quy định mà làm ăn có lãi thì đáng hoan nghênh, còn lỗ thì phải xem DN đó có thực hiện đầu tư ngoài ngành đúng quy định, trình tự không, lúc đó mới có hình thức xử lý…”- ông Khái bày tỏ quan điểm.
Kết quả KT tại 21 TĐ, TCT, KTNN đã điều chỉnh tổng tài sản- nguồn vốn giảm 8.11.6 tỷ đồng, tổng doanh thu- thu nhập thuần giảm 240 tỷ đồng, tổng chi phí tăng 6.875 tỷ đồng. lợi nhuận trước thuế giảm 7.116 tỷ đồng, thuế và các khoản còn phải nộp NSNN tăng 937,8 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là TĐ EVN. Riêng TĐ này, tổng tài sản- nguồn vốn giảm 7.789 tỷ đồng, tổng doanh thu- thu nhập thuần tăng 32,9 tỷ đồng, tổng chi phí tăng 7.786 tỷ đồng, lợi nhuận trướ thuế giảm 7.753 tỷ đồng, thuế và các khoản còn phải nộp NSNN tăng 102 tỷ đồng.
|
Thanh Lan