|
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Các Luật gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Di sản văn hóa; Luật Công chứng; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công đoàn; Luật Dữ liệu; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.
Áp dụng thuế suất 5% đối với một số hoạt động
Luật Thuế giá trị gia tăng gồm 4 chương, 18 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Đáng chú ý, về đối tượng áp dụng thuế suất 0%, Luật bổ sung quy định, hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam hoặc cung ứng trực tiếp cho tổ chức ở trong khu phi thuế quan và được tiêu dùng trong khu phi thuế quan phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất xuất khẩu. Sản phẩm nội dung thông tin số cung cấp cho bên nước ngoài và có hồ sơ, tài liệu chứng minh tiêu dùng ở ngoài Việt Nam theo quy định của Chính phủ cũng thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 0%.
Luật sửa đổi quy định: Phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo quy định của Chính phủ; hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống, dân gian thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính, gồm 11 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025. Một số quy định có hiệu lực riêng như quy định về: nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, vốn chủ sở hữu; kiểm toán độc lập (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026); sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách nhà nước (có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2025); hộ cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số (có hiệu lực thi hành từ 1/4/2025).
Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin - cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác...
Số hóa di sản văn hóa
Luật Di sản văn hóa năm 2024 gồm 9 chương, 95 điều; đã khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời bổ sung các quy định mới nhằm giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Một trong những đột phá quan trọng của Luật là mở rộng các quy định liên quan đến phát huy giá trị di sản văn hóa, khai thác và sử dụng di sản, thúc đẩy hợp tác công tư và thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Điều này tạo cơ chế thu hút tối đa các nguồn lực cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đồng thời, Luật cũng đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan, cho phép triển khai các dự án đầu tư và công trình kinh tế - xã hội tại khu vực di sản. Quy định này đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định di sản trở thành tài sản, tài nguyên đặc biệt trong phát triển kinh tế-xã hội, du lịch bền vững và công nghiệp văn hóa ở các địa phương. Điểm nhấn quan trọng khác, Luật có các quy định liên quan đến chuyển đổi số, số hóa di sản văn hóa và phát huy giá trị di sản văn hóa trên môi trường điện tử.
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 5 chương và 59 điều; đã bao quát và cụ thể hóa 3 nội dung chính sách cơ bản. Đó là hoàn thiện các quy định về: hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Luật Công chứng năm 2024 gồm 8 chương, 76 điều. Luật có một số nội dung mới liên quan đến xác định đúng phạm vi công chứng và thẩm quyền của công chứng viên, quy định về các giao dịch phải công chứng; sửa đổi, bổ sung một số quy định về: công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, hành nghề công chứng, thủ tục công chứng giao dịch, cơ sở dữ liệu công chứng, lưu trữ hồ sơ công chứng; quy định mới về quản lý nhà nước trong công chứng và thủ tục hành chính lĩnh vực công chứng.
Luật Công đoàn 2024 gồm 6 chương, 37 điều. Bảo đảm về tài chính công đoàn là một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật. Theo đó, Luật giữ nguyên quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc mọi thành phần kinh tế không phân biệt nơi đã thành lập hay chưa thành lập công đoàn, đều phải có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương, làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Đồng thời, Luật bổ sung quy định xem xét miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi gặp khó khăn; bổ sung và làm rõ hơn các nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn; bổ sung quy định phân phối kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
4 luật trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Sử dụng hiệu quả dữ liệu
Luật Dữ liệu năm 2024 có 5 chương, 46 điều; tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế-xã hội và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.
|
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Một trong những nội dung quan trọng của Luật Dữ liệu là quy định việc xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Theo đó, Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được xây dựng nhằm phục vụ việc khai thác, sử dụng chung, đáp ứng hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; phục vụ thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phục vụ công tác thống kê, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật; phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng, ứng dụng dữ liệu của tổ chức, cá nhân.
Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024 gồm 8 chương, 55 điều. Đáng chú ý, về kiểm tra phòng cháy, chữa cháy, Luật quy định, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông, chủ đầu tư, tự tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện các sơ hở, nguy cơ mất an toàn dễ gây cháy, nổ ngay tại cơ sở, hộ gia đình, phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, UBND cấp xã, cơ quan Công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm, thực hiện kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Luật đã bỏ quy định phòng cháy đối với 11 loại hình cơ sở đang được quy định trong Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành vì các cơ sở này đều đã có các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành hướng dẫn quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, Luật đã bỏ các quy định phòng cháy đối với rừng; thanh tra phòng cháy, chữa cháy; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tương tự, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 gồm 8 chương, 63 điều. Luật được xây dựng nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người. Đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thực hiện việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay và trong thời gian tới, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
3 luật trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.