Điểm sáng Quảng Ninh
Sáng nay, 11/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính thức công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022. Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh (MTKD) và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố, qua đó thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DN tại Việt Nam.
Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 DN, trong đó có 10.590 DN tư nhân và và 1.282 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Kể từ khi bắt đầu tiến hành vào năm 2005 tới nay, đã có 176.496 lượt DN tham gia khảo sát PCI, phản ánh các khía cạnh đa dạng của MTKD tại Việt Nam.
Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2022.
Trong đó, Quảng Ninh tiếp tục là giữ vị trí “quán quân” với 72,95 điểm trên thang điểm 100. Từ năm 2017 đến năm 2022, Quảng Ninh xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.
Quảng Ninh là một trong những tỉnh mạnh dạn trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư”. Trong những năm qua, Quảng Ninh đã vận hành thành công Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh) với nhiệm vụ kêu gọi, hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất và giải quyết nhanh nhất các thủ tục đầu tư cho DN.
Trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), Quảng Ninh cũng là điển hình tốt trong việc xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại ở cấp xã.
Quy trình giải quyết TTHC của Quảng Ninh được thực hiện theo nguyên tắc “năm tại chỗ” (các bước tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, và trả kết quả được thực hiện xong ngay tại Trung tâm hành chính công). Quảng Ninh đang tiến tới thực hiện giải quyết TTHC theo “năm bước trên môi trường điện tử”(các khâu tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả đều sẽ được thực hiện trực tuyến toàn bộ).
Nhờ những nỗ lực này, hiệu quả giải quyết TTHC của Quảng Ninh được các DN đánh giá tích cực trong khảo sát PCI với 93% ý kiến đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn so với quy định.”
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh cũng nổi lên là một điểm sáng về đào tạo lao động. Trong 10 chỉ số thành phần, Quảng Ninh dẫn đầu về chỉ số này.
Top 10 địa phương trong Bảng xếp hạng PCI 2022 |
Trong Báo cáo PCI 2022 được công bố, lần đầu tiên VCCI, USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các DN tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của DN, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Kết quả năm đầu tiên cho thấy ba tỉnh đứng đầu Chỉ số PGI là Trà Vinh, Lạng Sơn và Bắc Ninh.
Những bước nhảy ngoạn mục…
Ngoài những địa phương vẫn duy trì thứ hạng, Bảng xếp hạng PCI 2022 ghi nhận nhiều địa phương có sự thăng hạng bất ngờ.
Xếp ngay sau Quảng Ninh là Bắc Giang với điểm số ấn tượng 72,80. Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang khi tỉnh cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021. Cộng đồng DN trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng DN” của chính quyền tỉnh.
Lần đầu tiên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp mặt trong Top 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế của PCI ở vị trí thứ tư với 70,26 điểm. Trước đó, vị trí cao nhất của tỉnh là vị trí 6/63 trong PCI 2011. Chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm qua đã có nhiều nỗ lực thuận lợi hóa MTKD, chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao. Tỉnh có một số mô hình cải cách hành chính đáng chú ý được nhân rộng sau khi áp dụng thành công ở cấp huyện, xã như mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn"…
Báo cáo PCI 2022 có sự thay đổi về cách trình bày kết quả chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố so với những năm trước. Đó là năm nay báo cáo PCI chỉ trình bày 30 địa phương có điểm số PCI cao nhất nhằm khuyến khích sự tập trung và nỗ lực thay đổi của các địa phương để vào nhóm dẫn đầu PCI.
Trong Top 30 này ghi nhận sự có mặt của các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội (xếp thứ 20), TP Hồ Chí Minh ( xếp thứ 27), Đà Nẵng (xếp thứ 9), Vĩnh Phúc (xếp thứ 8)…
Không nằm trong Top 30, song Đắk Nông là một hiện tượng. Nếu như năm 2020, địa phương này đứng “áp chót” trong Bảng xếp hạng (62) đến năm 2021, đã nhảy được 10 bậc lên vị trí thứ 52 và tại PCI 2022, Đắk Nông đã nhảy tiếp 14 bậc, vươn lên vị trí thứ 38.
Ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh uỷ Đắc Nông chia sẻ, địa phương đã xác định cải cách hành chính, cải thiện MTKD là một trong những giải pháp trọng yếu để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trên cơ sở Chương trình hành động ban hành từ đầu nhiệm kỳ, hàng năm UBND tỉnh đã cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ngành, huyện, thành phố.
Tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào giải quyết TTHC; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của tỉnh.
Đặc biệt, một số sở ngành tỉnh cũng có những cách làm hay, như: Sở KH&ĐT với mô hình cà phê doanh nhân tổ chức 2 tuần/lần; thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư; Sở Nội vụ với mô hình “ngày không hẹn, ngày không viết”…
Năm nay báo cáo PCI chỉ trình bày 30 địa phương có điểm số PCI cao nhất |
(Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI)
“Gần 20 năm qua, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thành công của VCCI đã và đang góp phần thúc đẩy các đối thoại, thảo luận và các hành động hiệu quả về các vấn đề liên quan đến MTKD. Chỉ số Xanh cấp tỉnh mới được xây dựng dựa trên nền tảng thành công của PCI, và việc này là dấu hiệu cho thấy khu vực tư nhân ngày càng nhận thức rõ rằng các vấn đề môi trường cũng quan trọng như hiệu quả kinh doanh của DN và tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế…”
(Bà Aler Grubbs, Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam )