Hôm qua (3/4), Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) tổ chức Khởi động Dự án “Kế hoạch hành động về công bố thông tin và truyền thông để thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu”. Dự án do Chương trình FAO-EU FLEGT tài trợ nhằm hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện các hoạt động công bố thông tin và truyền thông đã cam kết trong Hiệp định VPA/FLEGT.
“Đây là Hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu (XK) từ Việt Nam sang thị trường EU…”- Ông Phạm Văn Điển, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, kiêm Giám đốc dự án nhấn mạnh.
Ông Điển cho biết, Hiệp định được xây dựng dựa trên quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam và có những điểm mới về truy xuất nguồn gốc gỗ, đó là: Quản lý, kiểm soát gỗ nhập khẩu; Phân loại mức độ rủi ro doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung; Xác minh XK và Cấp phép FLEGT cho lô hàng XK vào EU.
“Các nội dung này của Hiệp định sẽ ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong chuỗi cung gỗ của Việt Nam. Mỗi một đối tượng này sẽ chịu mức độ ảnh hưởng khác nhau và họ sẽ có mối quan tâm, nhu cầu thông tin khác nhau về các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT. Do vậy, dự án này sẽ góp phần giải quyết một cách căn bản các vấn đề hết sức cần thiết về thông tin, truyền thông và công bố thông tin theo cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT nhằm thực hiện Hiệp định một cách có hiệu quả...”- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, kiêm Giám đốc dự án khẳng định.
Bà Nguyễn Tường Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp), Phó Giám đốc Dự án cho biết, Dự án sẽ thực hiện 8 hoạt động chính gồm: Đánh giá nhu cầu thông tin của các bên liên quan về Hiệp định VPA/FLEGT; đánh giá tính sẵn có của các thông tin được công bố tại quy định tại Phụ lục VIII của Hiệp định VPA/FLEGT; xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông và công bố thông tin về Hiệp định; xây dựng và phát hành bộ tài liệu chuẩn về Hiệp định và Hệ thống VNTLAS; cung cấp và phổ biến thông tin cho lãnh đạo chính quyền địa phương; cung cấp và phổ biến thông tin cho các doanh nghiệp chế biến gỗ XK trong nước; cung cấp và phổ biến thông tin cho các doanh nghiệp FDI; cung cấp và phổ biến thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông.
Liên quan đến công bố thông tin, ông Trần Hiếu Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế cho biết, 9 nhóm thông tin Việt Nam phải công bố bao gồm: Hệ thống VNTLAS; luật pháp; quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp và giao đất lâm nghiệp; quản lý rừng; sản xuất gỗ trong nước; cơ sở dữ liệu vi phạm luật và thương mại gỗ; chế biến; đầu tư và doanh thu; thương mại. Tuy nhiên, việc công bố thông tin này sẽ đối mặt với nhiều thách thức, như hiện nhiều thông tin được công bố, nhưng chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập. Nguyên nhân được đưa ra là do chưa có “kho thông tin” đầy đủ, cập nhập, chính xác; thông tin đa ngành/lĩnh vực nằm ở nhiều Bộ/ngành, nhiều nguồn, phân tán, chưa thống nhất về phương pháp thống kê; số liệu thống kê còn có sự chênh lệch giữa các cơ quan Bộ/ngành, giữa các đơn vị trong nước và quốc tế...
Liên quan đến công tác truyền thông, bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển (CED) cho biết, trong quá trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT, truyền thông đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin và tuyên truyền về Hiệp định và tới đây, để thực thi tốt Hiệp định cần có chiến lược truyền thông có bài bản trên các nền tảng truyền thông khác nhau, đặc biệt là báo chí. “Chiến lược truyền thông có hiệu quả là phải có nguồn thông tin hữu ích, phải chủ động, biết kể chuyện và có quan hệ tích cực giữa các bên liên quan…”- Bà Liên khẳng định. Được biết, Dự án được Ban điều hành Chương trình FAO-EU FLEGT tài trợ với tổng kinh phí 273.313 USD…