Công chức xã thiệt thòi vì… ở “đáy”?

Trong những vấn đề kinh tế xã hội, chế độ chính sách cho cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã “nổi” lên như một trong rất nhiều vấn đề được các ĐBQH đánh giá là gây hạn chế cho chất lượng,  hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, thậm chí là cả nguy cơ “mất cán bộ”…

Trong những vấn đề kinh tế xã hội, chế độ chính sách cho cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã “nổi” lên như một trong rất nhiều vấn đề được các ĐBQH đánh giá là gây hạn chế cho chất lượng,  hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, thậm chí là cả nguy cơ “mất cán bộ”…

Cùng làm nhưng không… cùng hưởng

Được ví von “mỹ miều” là cán bộ “đáy”, cán bộ, công chức cấp xã (cả chuyên và không chuyên trách) đang từng ngày, từng giờ trực tiếp giải quyết những vấn đề liên dân sinh ở các địa phương.

“Gánh cả núi việc” nhưng “chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã, chính sách đối với cán bộ công chức theo Nghị định 92 của Chính phủ không bảo đảm được cuộc sống cho cán bộ cấp xã, một số quy định không hợp lý, chế độ lương, phụ cấp vẫn còn thấp. Mức lương tối thiểu chung là chưa phù hợp trong tình hình lạm phát hiện nay và chưa thực sự là nguồn sống chính của bản thân người cán bộ công chức” – ĐB Ya Duck (Lâm Đồng) phản ánh.

Cũng nhận thấy những bất cập trong Nghị định 92 của Chính phủ về chế độ phụ cấp cho cán bộ cơ sở “chậm được khắc phục và gây bức xúc”, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị phải sớm khắc phục. Nhiều ĐB cho rằng, cùng là cán bộ cấp cơ sở nhưng quy định về cán bộ chuyên trách, cán bộ không chuyên trách và các chế độ kèm theo cũng đã thiệt thòi và không công bằng cho bản thân cán bộ tại cơ sở khi việc phụ cấp 30% cho cán bộ cơ quan Đảng, MTTQ, các đoàn thể chỉ áp dụng tới cấp huyện.

Ảnh minh họa.

Thực tế, nhiều ĐB đã rơi vào tình trạng… chịu khi cử tri chất vấn: “Cán bộ cấp xã có nằm trong hệ thống cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam hay không?. Nếu có thì vì sao không được hưởng phụ cấp 30% như dành cho cán bộ Đảng, MTTQ và các đoàn thể?”.

Phân tích sâu hơn, ĐB Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) cho rằng, mức phụ cấp quy định cho cán bộ không chuyên trách tối đa không quá 1,0, (hiện nay là 830.000 đồng) vẫn là quá thấp, quá chênh lệch so với cấp trưởng. Trên thực tế, cán bộ không chuyên trách, tức là cấp phó các đoàn thể cũng làm việc 8 tiếng/ngày, cấp trưởng mà không có cấp phó giúp việc tham mưu thì làm sao cấp trưởng hoàn thành tốt được nhiệm vụ, trong khi đó cán bộ không chuyên trách chỉ hưởng 830.000 đồng.

“Với số tiền ít ỏi như thế này không đủ cho cán bộ đi công tác ở cơ sở đủ tiền xăng xe, nói chi đến việc nuôi sống, thậm chí có người còn được thấp hơn mức 830.000 đồng. Do vậy, có tư tưởng thiếu an tâm công tác” – ĐB Tùng phản ánh.

Lo ngại… không có người

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ rất quan trọng là lực lượng cán bộ ở thôn, ở ấp tuy không phải là một cấp nhưng lực lượng này đóng một vai trò rất quan trọng. Nhưng hiện nay phần đông cán bộ ở thôn, ấp làm việc chỉ với trách nhiệm chứ chưa có chính sách gì cụ thể thống nhất để động viên, khuyến khích.

Do chưa có chính sách không thống nhất của nhà nước nên tùy vào điều kiện ngân sách của từng địa phương, mỗi địa phương có sự hỗ trợ khác nhau, các địa phương còn khó khăn thì không có sự hỗ trợ gì dù có muốn điều tiết thì cũng không thực hiện được bởi không cân đối được kinh phí. Đây là điều hết sức nghịch lý và thiếu cân bằng cho cán bộ của các tỉnh còn nghèo, còn khó khăn đang công tác ở các thôn, các ấp.

Mặc dù đã có ĐB gợi ý nên xã hội hóa “hoạt động cán bộ thôn, ấp” vì đây không phải là cấp hành chính để chăm lo cho đối tượng này, nhưng “nếu suy nghĩ như vậy thì có lẽ đến một lúc nào đó không có người tham gia công tác cấp thôn, ấp” – ĐB Nguyễn Phương Đào (Bến Tre) lo ngại.

Tăng mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách dưới cơ sở, một mặt đảm bảo yếu tố hỗ trợ tương đối phù hợp cho cán bộ cơ sở, mặt khác cũng đảm bảo hài hòa trong mối tương quan giữa cán bộ chuyên trách và công chức ở cơ sở. Thậm chí, về lâu dài, ĐB Tùng đề nghị không nên chia làm nhiều loại cán bộ cơ sở vì nếu thế “vô tình mình sẽ tạo ra sự phân biệt do đó dễ phát sinh về mặt tư tưởng” mà nên thống nhất một chính sách chung cho cán bộ cơ sở.

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc):
Chính sách tiền lương đang “chắp vá”

Chính phủ cần nghiên cứu để cải cách tiền lương một cách cơ bản, xây dựng hệ thống thang bảng lương một cách khoa học phù hợp với từng ngành, từng chức danh chứ như hiện nay rất chấp vá, phải làm sao tiền lương thực sự là động lực tạo điều kiện trong quá trình cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước, hạn chế nhũng nhiễu tiêu cực”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình :
Sẽ xin Chính phủ điều chỉnh

“Xung quanh vấn đề nâng chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo xin ý kiến với Chính phủ để có thể điều chỉnh sửa đổi một số điều trong Nghị định 92 cho nó phù hợp.

Theo đề án cải cách tiền lương, chúng tôi dự kiến lộ trình từ năm 2012 đến 2014 cố gắng điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp, đáp ứng khả năng tối thiểu. Sau khi đạt được điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu thì mới tính quan hệ giữa mức lương tối thiểu, trung bình, tối đa để tránh dàn trải đến lương trung bình sau đó mới tính đến ngạch lương, thang lương, bậc lương. Tính đến yếu tố trợ cấp theo hướng đưa một số phụ cấp hiện nay vào trong lương mới để cân đối cho phù hợp”.

H.Giang

Đọc thêm