Đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn thế giới 2 năm qua và hoàn toàn không có tiền lệ. Tại Việt Nam, dịch xảy ra từ đầu năm 2020 và đến nay đã xuất hiện làn sóng thứ 4. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, các Bộ, Ban, Ngành, đặc biệt là Bộ Y tế và sự vào cuộc của cả Hệ thống chính trị, nên đến nay, dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước.
Để kiểm soát dịch, ngành y tế phải đối diện với rất nhiều khó khăn thách thức cả về chuyên môn kỹ thuật và hậu cần y tế. Trong đó, xét nghiệm là một vấn đề mà nhiều người quan tâm.
Những trường hợp có nguy cơ mắc như đi từ vùng dịch tễ, có triệu chứng nghi ngờ nhưng có thể là cả một khu dân cư đang có dịch gọi là ổ dịch để bóc tách toàn bộ nguồn lây nhanh nhất.
Nhiều trường hợp cần phải “Xét nghiệm thần tốc”. Nếu chu kỳ lây lan của virus là 48 h, xét nghiệm cần lặp lại dưới 48 giờ mới dập được dịch. Trong tình huống cần huy động tổng lực để xét nghiệm diện rộng, bản đồ hóa các ổ dịch để lên kế hoạch dập các ổ dịch.
“Trường hợp ở Thành phố Hà Nội vừa qua, chúng ta đã huy động xét nghiệm diện rộng và đánh giá được các ổ dịch để khoanh vùng hẹp và mở giãn cách sớm, mang lại ổn định và phát triển kinh tế sớm. Nếu không xét nghiệm diện rộng và không đạt được mục tiêu kiểm soát dịch, để giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế xã hội như thế nào”, PGS.TS Nhung cho hay.
Công khai giá sinh phẩm hoá chất, trang thiết bị y tế có vai trò quan trọng trong xác định giá và chi phí xét nghiệm
Để phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, hiện nay Bộ Y tế hướng dẫn 2 loại xét nghiệm là Xét nghiệm sinh học phân tử (realtime PCR) để phát hiện vật liệu di truyền của virus và Xét nghiệm phát hiện Kháng nguyên nhanh. Mỗi loại có những ý nghĩa khác nhau và chỉ định với mục đích khác nhau.
Trong cùng một loại xét nghiệm cũng khác nhau về chất lượng được đánh giá là độ nhậy, độ đặc hiệu và độ ổn định phụ thuộc phần lớn vào Test kit hay gọi là bộ sinh phẩm. Độ sai khác về kết quả gọi là Âm tính giả (tức là có virus nhưng kết quả Âm tính làm người ta chủ quan và có thể lây lan cho người khác); hay Dương tính giả (thực chất không có virus nhưng kết quả Dương tính sẽ gây tốn kém trong cách ly, phong toả).
“Vì vậy, chọn lựa loại sinh phẩm nào cho mục đích nào là rất quan trọng. Ví dụ, sử dụng xét nghiệm trong bệnh viện để sàng lọc người được vào viện điều trị mà Âm tính giả cũng gây nguy cơ lây lan trong môi trường bệnh viện. Như vậy, phải ưu tiên sử dụng test có độ nhậy độ đặc hiệu và độ ổn định cao, tức là chất lượng phải cao. Trong sàng lọc ở cộng đồng, chấp nhận có F0 trong điều kiện bình thường mới, người ta có thể sử dụng loại test với chất lượng vừa phải hơn, đảm bảo việc sàng lọc nhanh các trường hợp nhiễm virus”, PGS.TS Nhung nói.
Trong giai đoạn đầu của dịch, các sinh phẩm mới được phát triển, năng lực cung cấp hạn chế trong khi nhu cầu rất cao trên toàn thế giới, giá xét nghiệm sẽ cao. Sau đó, các nhà sản xuất nâng cao năng lực, sản xuất nhiều hơn, tính cạnh tranh cao hơn giá sinh phẩm giảm xuống theo cơ chế thị trường là điều dễ hiểu.
Cùng một thời điểm giá xét nghiệm có thể khác nhau khi loại sinh phẩm khác nhau như phân tích ở trên. Tùy theo từng cơ sở xét nghiệm mua được loại sinh phẩm nào phù hợp mục đích yêu cầu thì giá cũng sẽ khác nhau. Thông tư 14 năm 2020 của Bộ Y tế quy định 6 nhóm sản phẩm tủy theo xuất sứ và được phê duyệt bởi cơ quan nào như FDA Hoa Kỳ hay châu Âu, Úc hay WHO hay tự công bố chất lượng hoặc từ các nước không thuộc các quốc gia tham chiếu, giá sinh phẩm cũng sẽ khác nhau.
PGS.TS Nhung nhấn mạnh, Bộ Y tế đã có nhiều hướng dẫn về chuyên môn: Khi nào thì dùng test nhanh, khi nào dùng xét nghiệm realtime PCR, xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp và hướng dẫn về giá với từng loại xét nghiệm mẫu đơn mẫu gộp tương ứng.
Đối với xét nghiệm realtime PCR, để giảm giá cho xét nghiệm này, cần thực hiện mẫu gộp. Tuy nhiên, khi phát hiện mẫu Dương tính, cần lấy lại mẫu hoặc làm lại, nên chi phí sẽ tăng thêm trong thực tế.
Giá của Xét nghiệm kháng nguyên nhanh có biên độ cao, nguyên nhân là giá sinh phẩm đầu vào. Trước ngày 1/7/2021, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm. Từ ngày 1/7/2021, do nhiều công ty nhập test từ nước ngoài và trong nước cũng đã sản xuất được nên giá test rất khác nhau, Đây chính là nguyên nhân của sự khác biệt về giá hiện nay.
Đối với các cơ sở y tế tư nhân giá được tự công bố thì biên độ còn khác biệt hơn nữa tuỳ thuộc vào số lượng xét nghiệm, mục đích sử dụng, nguồn gốc sinh phẩm, hoá chất, độ nhạy, độ đặc hiệu và cơ sở vật chất, chi phí trong quá trình triển khai xét nghiệm.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có các công văn chấn chỉnh việc thực hiện Xét nghiệm đảm bảo hiệu quả và chi phí hợp lý, đáp ứng yêu cầu về Phòng chống dịch COVID-19.
“Việc công khai giá sinh phẩm hoá chất, trang thiết bị y tế có vai trò quan trọng trong xác định giá và chi phí xét nghiệm”, PGS.TS Nhung chia sẻ.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"