Công dân liên tục được cập nhật cơ sở dữ liệu mới nhất

(PLVN) - Đây là ý kiến được nhiều đại biểu tán thành trong buổi họp Ban soạn thảo dự thảo Nghị định quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì vào chiều 11/7. 
Công dân liên tục được cập nhật cơ sở dữ liệu mới nhất

Báo cáo tại buổi họp, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Trần Thị Lệ Hoa cho biết, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch. Chẳng hạn như các quy định liên quan đến việc đăng ký lại khai sinh; đăng ký lại khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân; đăng ký khai tử, cải chính hộ tịch; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; đăng ký hộ tịch, quản lý, sử dụng hộ tịch. 

Theo đó, bà Hoa cũng cho biết: Đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (CSDLHTĐT), Dự thảo quy định việc phân cấp quản lý tài khoản, cập nhật, quyền cụ thể của các loại tài khoản quản trị ở Bộ Tư pháp, ở các Sở Tư pháp, quy định về nguồn cung cấp cho việc xây dựng CSDLHTĐT… 

Về việc kết nối với các cơ sở dữ liệu khác, Dự thảo quy định quy trình kết nối, các trường dữ liệu giữa CSDLHT với các cơ sở khác, đặc biệt là cấp số định danh cá nhân. Riêng việc kết nối, cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh cho các trường hợp trẻ em là công dân Việt Nam, sẽ quy định nguyên tắc, phạm vi kết nối, cung cấp dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua cổng kết nối giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an. 

Còn việc kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu giữa CSDLHTĐT và các phần mềm, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu điện tử khác, sẽ chỉ quy định nguyên tắc, cách thức, phạm vi kết nối, chia sẻ cũng như giao cho Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn cách thức kết nối để bảo đảm sự linh hoạt. 

Ngoài mục đích chính là khai thác, sử dụng CSDLHTĐT để đăng ký hộ tịch thì việc khai thác, sử dụng vào mục đích khác cũng được quan tâm. Theo đó, Dự thảo quy định theo hướng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu được khai thác thông tin từ CSDLHTĐT ở các hình thức khác nhau. 

Nhấn mạnh việc xây dựng CSDLHTĐT là số hóa các dữ liệu hộ tịch, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến Dự thảo đang sa đà vào thủ tục hành chính, trong khi đó vấn đề cần được tập trung là cơ sở dữ liệu điện tử và đăng ký trực tuyến. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo nên xem lại bố cục Dự thảo đồng thời xem xét lại các định nghĩa.  

Ngoài ra, theo ông Dũng, những địa phương có điều kiện số hóa thì tạo điều kiện cho họ thực hiện trước. Với những địa phương còn gặp khó khăn với công nghệ thông tin thì vẫn phải áp dụng cơ chế song song, vừa áp dụng các thủ tục quy trình bằng giấy vừa chuyển dần sang dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, phải có phương án làm sao để các địa phương đó nhanh chóng chuyển sang trực tuyến.  

Đồng tình với ý kiến của ông Dũng, ông Phạm Trần Vương (đại diện Bộ Ngoại giao) đưa thêm ý kiến về nhiệm vụ chủ yếu của Cơ sở dữ liệu này là cung cấp thông tin cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho nên cần đưa ra những phương án kịp thời nếu có xảy ra sai sót. Bên cạnh đó, ông Vương cũng cho rằng sổ hộ tịch phải là sổ gốc để cập nhật dữ liệu thông tin vào điện tử.

Ngoài ra, đại diện của Bộ Ngoại giao cũng đề nghị cân nhắc, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài, ví dụ như sử dụng mã code. Về việc hủy số định danh cá nhân, ông cũng đặt ra câu hỏi ai hủy hay cơ quan nào có thẩm quyền hủy?  


Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo, đồng thời đề nghị tiếp tục hoàn thiện thêm, theo hướng đơn giản hóa và tập trung vào 2 vấn đề chính là xây dựng CSDLHTĐT và đăng ký hộ tịch trực tuyến. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, việc xây dựng Dự thảo Nghị định phải bảo đảm đúng Điều 59 của Luật Hộ tịch về kết nối, chia sẻ chung, luôn “mở” để có thể cung cấp, trao đổi thông tin hai chiều giữa CSDLHTĐT với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu làm rõ đăng ký hộ tịch trực tuyến là dành cho người dân hay dành cho cán bộ hộ tịch hiện nay. Nếu dành cho công dân thì phải làm rõ cần phải vào địa chỉ mạng nào để đăng ký; đăng ký hộ tịch trực tuyến cấp độ mấy cũng cần phải được làm rõ. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu phải  điện tử hóa, kỹ thuật hóa làm sao cho đơn giản, khả thi, có tính ứng dụng cao. Đặc biệt là, phải đảm bảo được tính xác thực của thông tin, tránh thông tin không chính xác lại thành hợp pháp…  

Đọc thêm