Cổng dịch vụ công quốc gia khai trương vào vào cuối tháng 11/2019

(PLVN) - Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia được Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng nay (1/11).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) được thiết lập tại một địa chỉ duy nhất (www.dichvucong.gov.vn) là địa chỉ cung cấp các thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công đầy đủ, tin cậy, chính xác, được đảm bảo thi hành của Chính phủ; tạo môi trường công khai, minh bạch, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện giám sát, đánh giá, phản ánh, kiến nghị về quy định và việc thực hiện của các cơ quan nhà nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, xây dựng Cổng DVCQG là việc quan trọng, nhiệm vụ lớn để tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Theo đó, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính là sự thành công trong cung cấp dịch vụ công của Chính phủ, đúng theo phương châm Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu VPCP, nhìn thẳng thắn thì những việc làm riêng lẻ như vậy không thể có Bộ, địa phương nào cung cấp toàn diện về dịch công, vì vậy nhiều nhu cầu của người dân, doanh nghiệp về các dịch vụ công có tính chất liên ngành hoặc phạm vi thực hiện ở nhiều địa phương sẽ khó được các Cổng DVC của các Bộ, địa phương đáp ứng một cách toàn diện, thuận lợi nhất. Từ đó khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện DVC.

Ông ví dụ khi người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến ở tỉnh này không thể tái sử dụng lại hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết đã thực hiện ở bộ, ngành, tỉnh khác. Hoặc một doanh nghiệp muốn thực hiện hoạt động khuyến mại trong phạm vi toàn quốc sẽ phải vào Cổng DVC của từng tỉnh hoặc trực tiếp đến từng tỉnh để thực hiện thủ tục thông báo hoạt động khuyến mại...

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao VPCP chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia để đảm bảo tính hoàn chỉnh của một hệ thống quan trọng kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp, thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ. Nói cách khác, DVC trực tiếp ở các Bộ, địa phương giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được tích hợp trên nền tảng Trục liên thông văn bản quốc gia để có sự trao đổi, chia sẻ thay vì việc giới hạn bởi thời gian, địa giới hành chính.”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Chủ nhiệm VPCP cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia từ tháng 4/2019. VPCP đã gửi 2 công văn để hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ của mình theo yêu cầu của Đề án.

Tuy nhiên, qua theo dõi, việc triển khai các nhiệm vụ được giao theo hướng dẫn tại 2 công văn này ở các Bộ, ngành, địa phương còn rất chậm do các Bộ, ngành, địa phương còn gặp lúng túng, việc bố trí nguồn lực trong triển khai chưa thỏa đáng. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Thời gian không còn dài, chúng ta chỉ còn 1 tháng để thực hiện việc này. Tuy nhiên, khi nhìn lại, tiến độ thực hiện của các bộ, địa phương thì đang triển khai rất chậm”, ông Dũng nhận xét.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh việc xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia là việc làm liên tục, thường xuyên. Sau khi khai trương vào tháng 11, tiếp đến tháng 12 rồi sang 2020, các dịch vụ thủ tục sẽ tiếp tục được tích hợp vào cổng.

“Chưa kỳ vọng chúng ta sẽ làm đầy đủ ngay được nhưng chúng ta triển khai để đánh giá được sự hài lòng của người dân. Người dân, doanh nghiệp hài lòng, đánh giá tốt, thì phục vụ của Chính phủ, bộ, ngành địa phương mới đạt yêu cầu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Lộ trình thực hiện Cổng Dịch vụ công quốc gia dự kiến khai trương cuối tháng 11/2019 cho phép người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục sau: Đổi giấy phép lái xe (mức độ 3); Cấp giấy phép lái xe quốc tế; Cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Đăng ký khuyến mại; Nộp thuế điện tử với doanh nghiệp; Cấp mới điện hạ áp và trung áp; Thanh toán tiền điện; Thông báo thực hiện khuyến mại tại các địa phương. 
  

Đọc thêm